Công chiếu hai bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam tại Pháp

Chính quyền thành phố Choisy le Roi đã công chiếu hai bộ phim có nhan đề "Thức lâu mới biết đêm dài" và "Cuộc chiến tranh Việt Nam: Trong tâm các cuộc đàm phán bí mật."
Quang cảnh buổi chiếu phim tại thành phố Choisy le Roi. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Trong khuôn khổ hoạt động "Gặp gỡ điện ảnh," tối 23/2, chính quyền thành phố Choisy le Roi, ngoại ô Đông Nam của thủ đô Paris, đã công chiếu hai bộ phim tài liệu về đề tài chiến tranh Việt Nam có nhan đề "Thức lâu mới biết đêm dài""Cuộc chiến tranh Việt Nam: Trong tâm các cuộc đàm phán bí mật."

 

Buổi chiếu phim kết hợp cuộc giao lưu với đạo diễn Daniel Roussel và êkíp làm phim về quá trình thu thập thông tin, gặp gỡ nhân chứng, đã thu hút sự có mặt đông đảo của người dân thành phố Choisy le Roi, bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn và Thị trưởng thành phố Choisy le Roi, ông Didier Guillaume, cũng có mặt tại buổi công chiếu.

Bộ phim "Thức lâu mới biết đêm dài" của đạo diễn người Pháp Daniel Roussel và nhà làm phim Yann de Sousa , đã thể hiện sinh động cuộc đấu trí cam go, quyết liệt trên bàn đàm phán, về các yếu tố thuận lợi góp phần thúc đẩy cuộc đàm phán dẫn đến việc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Bộ phim "Cuộc chiến tranh Việt Nam: Trong tâm các cuộc đàm phán bí mật" của đạo diễn Daniel Roussel kể lại câu chuyện về các cuộc đàm phán bí mật giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh quốc gia, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Tổng cộng, 45 cuộc họp bí mật đã diễn ra tại các thành phố Choisy-le-Roi, Gif-sur-Yvette và Saint-Nom-la-Bretèche ở ngoại ô Paris.

Để ký được Hiệp định Paris, các bên đã trải qua 247 phiên họp công khai và bí mật, kéo dài từ ngày 15/3/1968 đến ngày 27/1/1973. Đây được coi là cuộc đàm phán ngoại giao dài nhất trong lịch sử Việt Nam.

Để thực hiện hai bộ phim tài liệu này, tác giả Daniel Roussel đã có quá trình chuẩn bị tư liệu từ rất lâu, với các cuộc gặp gỡ, phỏng vấn nhiều nhân chứng lịch sử, thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris.

Trong khoảng thời gian công tác tại Việt Nam từ năm 1981-1987, với tư cách là phóng viên thường trú báo L’Humanité (Nhân đạo), ông đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các nhân vật lịch sử như Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Hà Văn Lâu...

Sau này, khi thực hiện bộ phim, ông cùng đoàn làm phim đã phỏng vấn nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - Trưởng đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau là Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Trịnh Ngọc Thái - Thư ký đặc biệt của Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy trong thời gian đàm phán, cùng nhiều nhân chứng khác là các cán bộ ngoại giao, thành viên đoàn đàm phán, đại diện người dân thành phố Choisy le Roi và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.

Nếu trong bộ phim thứ nhất "Thức lâu mới biết đêm dài," người xem không khỏi rưng rưng trước những giọt nước mắt của nhiều kiều bào khi tâm sự rằng "cảm thấy có lỗi vì đã không có mặt trên chiến trường" trong những năm kháng chiến gian khổ chống Mỹ cứu nước, hay thực sự xúc động trước tình cảm chân thành của bạn bè Pháp-các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và người dân thành phố Choisy le Roi dành cho phái đoàn đàm phán Việt Nam thì bộ phim "Cuộc chiến tranh Việt Nam: Trong tâm các cuộc đàm phán bí mật" thực sự cuốn hút người xem với các tư liệu chân thực và nhân chứng khách quan.

Cao trào của bộ phim được thể hiện qua đoạn băng ghi âm cuộc đối thoại căng thẳng giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger khi hai bên nối lại đàm phán vào đầu năm 1973.

Trong đoạn băng ghi âm, có thể nhận thấy sự giận dữ của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trước hành vi tráo trở của Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger - người đã chúc ông có một Giáng sinh vui vẻ khi ông trở về Hà Nội để tham vấn lãnh đạo và cũng là người đã "đón" ông ngày 18/12/1972 tại Hà Nội với các đợt ném bom dữ dội bằng máy bay chiến lược B-52 trong chiến dịch Linebacker kéo dài 12 ngày đêm với mục đích là khiến Việt Nam run sợ và buộc phải ký kết Hiệp định Paris với những điều khoản có lợi cho phía Mỹ.

Bộ phim tài liệu chân thực với nhiều nhân chứng đặc biệt đã khiến ông được trao giải Nhất, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 2 - năm 2015.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đạo diễn Daniel Roussel bày tỏ sự cảm phục và ngưỡng mộ của ông trước khát vọng hòa bình cháy bỏng, ý chí đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự do của nhân dân Việt Nam cũng như quyết tâm thực hiện giấc mơ hòa bình thông qua nỗ lực đàm phán.

Theo ông, hai bộ phim cho thấy Việt Nam là một thí dụ điển hình chứng minh rằng mọi cuộc xung đột đều có thể được giải quyết bằng các giải pháp chính trị. Chính vì vậy, hai bộ phim cùng gửi đi thông điệp hòa bình và hai bộ phim là "bài ca về hòa bình."

 

Về phần mình, Thị trưởng Didier Guillaume cho rằng người dân Choisy le Roi tự hào về sự giúp đỡ tận tình của thành phố với phái đoàn đàm phán của Việt Nam trong 5 năm. Theo ông, điều này cũng cho thấy Choisy le Roi là vùng đất của hòa bình, của tình đoàn kết và của công lý.

Giải thích việc công chiếu bộ phim tài liệu, ông cho biết chính quyền thành phố muốn giới thiệu với công chúng và thế hệ trẻ về lịch sử đã gắn bó thành phố với Việt Nam cũng như lịch sử của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ngoài ra, việc công chiếu cũng thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Tình đoàn kết đó không chỉ trong có quá khứ mà vẫn đang tiếp tục được vun đắp ngày hôm nay qua quan hệ hữu nghị giữa thành phố Choisy le Roi và quận Đống Đa của Hà Nội, và sự kết nghĩa giữa tỉnh Val-de-Marne với tỉnh Yên Bái của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục