Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 23/6, Hội nghị quốc tế về Lybia lần thứ hai đã diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại giao Đức.
Tham dự hội nghị có đại diện Chính phủ lâm thời Libya, Ngoại trưởng và đại diện 5 nước uỷ viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước trong khu vực.
Mục tiêu của hội nghị được Liên hợp quốc bảo trợ này là duy trì lệnh ngừng bắn để hướng tới cuộc tổng tuyển cử ở Libya, dự kiến diễn ra vào ngày 24/12 tới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh hội nghị lần này cho thấy rõ cam kết đặc biệt của Liên hợp quốc trong vấn đề Libya cũng như sự ủng hộ của các nước đối với chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất dân tộc của Libya.
Ông cho rằng trong hai năm qua, các bên đã đạt được nhiều thành tựu trong tháo gỡ vấn đề Libya, trong đó nổi bật là thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 10/2020 mở đường tổ chức bầu cử và một chính phủ chuyển tiếp nhậm chức vào tháng 2 vừa qua.
Theo Ngoại trưởng Đức, hội nghị lần thứ hai sẽ giúp mở ra một giai đoạn mới cho Tiến trình Berlin, trong đó các bên tham gia sẽ thảo luận về người dân Libya và tương lai của quốc gia Bắc Phi này.
Tuy nhiên, theo ông, nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước khi các tay súng nước ngoài vẫn hiện diện ở Libya, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình hòa bình ở quốc gia này.
[Mỹ, Libya thảo luận về việc rút các lực lượng nước ngoài]
Thỏa thuận ngừng bắn ở Libya và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quy định rõ ràng rằng các chiến binh, quân đội và lính đánh thuê nước ngoài phải rời khỏi Libya.
Ngoại trưởng Maas khẳng định các bên tham gia hội nghị lần này sẽ phải thể hiện bản lĩnh chính trị, hướng tới mục tiêu quan trọng là thực hiện các cuộc bầu cử tự do, công bằng và theo đúng kế hoạch ở Libya.
Theo ông, thông điệp được đưa ra từ hội nghị lần này cần phải chấm dứt sự can thiệp của nước ngoài vào Libya cũng như lệnh cấm vận vũ khí phải được tuân thủ.
Liên hợp quốc ước tính có khoảng 20.000 tay súng và lính đánh thuê nước ngoài vẫn hiện diện trong lãnh thổ Libya, là mối đe dọa đối với quá trình chuyển tiếp do Liên hợp quốc hậu thuẫn hướng tới cuộc bầu cử.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, lệnh ngừng bắn đạt được tháng 10 năm ngoái cần phải được thực thi đầy đủ, trong đó có việc rút tất cả các lực lượng nước ngoài khỏi Libya.
Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức bầu cử ở Libya vào tháng 12 tới, coi đây là con đường duy nhất để đảm bảo hoà bình và ổn định ở quốc gia Bắc Phi.
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng lâm thời Libya đã kêu gọi quốc tế hỗ trợ trong việc rút binh lính nước ngoài ra khỏi Libya, cảnh báo tình trạng mất an ninh đang gây nguy hiểm cho quá trình chuyển tiếp ở nước này.
Ông cũng kêu gọi Quốc hội Libya sớm thông qua luật bầu cử, cho phép tiến hành cuộc bầu cử vào tháng 12 tới.
Trong những năm gần đây, Libya đã bị chia rẽ giữa hai chính quyền đối địch, được các lực lượng nước ngoài và các tay súng trong nước hậu thuẫn.
Liên hợp quốc gần đây cảnh báo tiến độ về thỏa thuận đạt được hồi đầu năm nay giữa hai chính quyền đối địch ở Libya đã bị đình trệ.
Các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhiều lần kêu gọi thực hiện việc rút các lực lượng nước ngoài ra khỏi Libya một cách có lộ trình và thống nhất, không để xảy ra tình trạng mất cân bằng quân sự có thể dẫn tới các cuộc tấn công bất ngờ giữa hai lực lượng chính ở Libya.
Trước đó, hội nghị quốc tế về Lybia lần thứ nhất đã diễn ra ở Berlin đầu năm ngoái nhằm đặt ra các đường lối chính trị, quân sự và kinh tế nhằm giải quyết một thập kỷ hỗn loạn và bạo lực kể từ khi cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011./.