Ngày 13/12, Cộng hòa Trung Phi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về bản dự thảo hiến pháp mới, nhằm chấm dứt tình trạng xung đột phe phái đẫm máu tại nước này.
Cuộc trưng cầu diễn ra chỉ hai tuần sau khi Giáo hoàng Francis kêu gọi cộng đồng Hồi giáo và Công giáo tại đất nước này chung sống đoàn kết.
Sau hơn 2 năm xung đột khiến 10% dân số phải rời bỏ đất nước, bản dự thảo hiến pháp mới được đưa ra trưng cầu. Văn kiện này quy định tổng thống chỉ được giữ chức tối đa 2 nhiệm kỳ 5 năm, và cuộc trưng cầu ý dân cũng được coi là phép thử trước khi Cộng hòa Trung Phi tiến hành cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp, dự kiến vào ngày 27/12 tới.
Gần 2 triệu cử tri trong tổng số 4,8 triệu dân đã đăng ký đi bỏ phiếu, mở ra hy vọng rằng cuộc trưng cầu này sẽ là bước đầu tiên đưa Cộng hòa Trung Phi trở lại hòa bình.
Phát biểu nhân dịp này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi tiến hành cuộc trưng cầu ý dân trong hoà bình và trên tinh thần tin tưởng lẫn nhau, đồng thời hoan nghênh cuộc trưng cầu này là một bước tiến quan trọng hướng tới chấm dứt tình trạng quá độ tại Cộng hòa Trung Phi.
Tuy nhiên, khâu chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý gặp một số khó khăn, như tình trạng hỗn loạn ở nhiều nơi của đất nước đã cản trở nỗ lực tổ chức của một số chính quyền lâm thời địa phương; chỉ có 15.000 bản sao chụp dự thảo hiến pháp mới được phân phát, có nghĩa là có ít cử tri được tiếp cận nội dung của hiến pháp; nhiều điểm bỏ phiếu nằm ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận...
Cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Pháp, đã hối thúc Cộng hòa Trung Phi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp và tổng tuyển cử năm nay, nhằm chính thức chấm dứt giai đoạn bất ổn kéo dài hai năm qua tại nước này. Trong khi đó, một số chính trị gia cho rằng Cộng hòa Trung Phi chưa sẵn sàng tổ chức bầu cử cả về mặt tài chính và an ninh.
Cộng hòa Trung Phi rơi vào vòng xoáy bạo lực kể từ khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng nổi dậy Hồi giáo Seleka lật đổ hồi tháng 3/2013 và đưa ông Michel Djotodia, chỉ huy của lực lượng này, lên làm Tổng thống lâm thời.
Tuy nhiên, ông Djotodia đã phải từ chức vào tháng 1/2014 do không thể kiểm soát làn sóng tàn sát và cướp bóc do các tay súng Seleka cũ tiến hành nhằm vào người Cơ đốc giáo. Hội đồng chuyển tiếp dân tộc đã bầu bà Catherine Samba-Panza làm Tổng thống lâm thời.
Theo Liên hợp quốc, vào thời điểm bạo lực lên đến đỉnh điểm, hơn 900.000 người, tức là gần 1/5 dân số của Cộng hòa Trung Phi đã phải đi lánh nạn, trong khi có hơn 2 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo./.