Công nghệ theo dõi COVID-19 của Google, Apple gặp trở ngại lớn

Trên thực tế hiện vẫn còn đến hàng tỷ người - ước khoảng một nửa dân số thế giới - không có trong tay những thiết bị di động thông minh - điều kiện cần tiên quyết để triển khai dự án.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Apple và Google đã gác lại sự cạnh tranh điện thoại thông minh để cùng bắt tay giúp chính quyền và các cơ quan y tế theo dõi sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Dự án hợp tác chung giữa hai hãng công nghệ khổng lồ này hướng đến phát triển một công nghệ dựa trên nền giao thức bluetooth dùng chung cho các thiết bị hệ điều hành Android và iOS, để theo dõi liên lạc, đưa ra cảnh báo với người dùng từng tiếp xúc hay đang ở gần người dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, cùng với những lo ngại xung quanh quyền riêng tư và liệu mọi người có đủ lựa chọn để làm cho công nghệ hiệu quả hay không, dự án nghe có vẻ hấp dẫn và đầy tính khả thi này đang gặp một trở ngại lớn nếu muốn triển khai trên diện rộng ở quy mô toàn cầu. Đó là, trên thực tế hiện vẫn còn đến hàng tỷ người - ước khoảng một nửa dân số thế giới - không có trong tay những thiết bị di động thông minh - điều kiện cần tiên quyết để triển khai dự án.

[Apple, Google hợp tác theo dõi dịch COVID-19 bằng ứng dụng điện thoại]

Trong khi công nghệ kết nối không dây Bluetooth vẫn được tích hợp trên các thiết bị không nhất thiết phải là điện thoại thông minh, thì yêu cầu cần có một ứng dụng y tế công cộng để điều khiển kết nối Bluetooth, xử lý dữ liệu, phát cảnh báo chỉ có thể được tải xuống và khởi chạy trên hệ điều hành điện thoại thông minh Android hoặc iOS.

Công nghệ theo dõi COVID-19 của Google, Apple gặp trở ngại lớn ảnh 1Hình minh họa cơ chế hoạt động của công nghệ theo dõi tiếp xúc của Apple, Google.

Vincent Thielke, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Canalys nói với CNN Business rằng dự án của Apple và Google chỉ thích hợp ở những khu vực có mật độ người dùng thiết bị kỹ thuật số cao. Trong khi đó, những khu vực như Mỹ Latinh, Ấn Độ và châu Phi sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Canalys ước tính có khoảng 4.2 tỷ người dùng điện thoại thông minh trên toàn thế giới, nhưng vẫn còn tới 1,8 tỷ người vẫn sử dụng các loại điện thoại di động tính năng cơ bản không có hệ điều hành.

Cũng theo Canalys, cự phân chia kỹ thuật số không chỉ diễn ra giữa các châu lục, quốc gia mà còn ngay trong mỗi quốc gia. Chẳn hạn như Ấn Độ, thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Chính phủ Ấn Độ đã áp đặt một số biện pháp phong tỏa quốc gia mạnh tay nhất trên thế giới, trong đó có triển khai ứng dụng theo dõi liên lạc của riêng mình. Nhưng gần một nửa dân số Ấn Độ - khoảng 600 triệu người - vẫn chưa lên mạng và hầu hết người dân nước này chưa sử dụng điện thoại thông minh.

Trong khi đó, Hiệp hội công nghiệp di động GSMA có ước tính thận trọng hơn - chỉ 49% dân số toàn cầu, tức là chưa đến 4 tỷ người, truy cập Internet thông qua một thiết bị di động.

Cũng theo GSMA, trong khi mật độ người sử dụng điện thoại thông minh ở Bắc Mỹ và châu Âu lần lượt là khoảng 83% và 76% và 72% ở Trung Quốc, thì con số đó giảm xuống còn 62% ở phần còn lại của châu Á và 45% ở châu Phi cận Sahara.

Apple và Google đã nói rằng để bảo vệ quyền riêng tư, công nghệ theo dõi liên lạc sẽ không hoạt động trừ khi người dùng điện thoại thông minh chọn kích hoạt nó, điều này có thể tạo ra những rào cản bổ sung ở các quốc gia hay khu vực có trình độ kỹ thuật số thấp hơn../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục