Công nghiệp hỗ trợ: Tạo lực đẩy để doanh nghiệp kết nối chuỗi cung ứng

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang cần được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp thêm những trợ lực từ chính sách, cơ chế để tăng cường nguồn lực, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ.
Kết nối doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thời gian qua, những chính sách khuyến khích của Nhà nước cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện khả năng cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, đồng thời, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện.

Mặc dù vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ còn khá non trẻ, yếu kém ở một số phân ngành. Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá là chưa cao.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, các nước có nhiều thay đổi trong chính sách xây dựng chuỗi cung ứng, nhiều cơ hội và thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Vì vậy, các doanh nghiệp đang cần được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp thêm những trợ lực từ chính sách, cơ chế để tăng cường nguồn lực, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng.

Đây cũng là nội dung chính của Tọa đàm: “Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ,” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/9.

Tỷ lệ nội địa hóa đang được cải thiện

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện đạt khoảng 5.000 doanh nghiệp và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay cũng đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới, như các sản phẩm dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa… Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

[Việt Nam cần củng cố vững chắc công nghiệp hỗ trợ]

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tự ý thức được việc cải tiến, nâng cao năng lực của của mình thông qua đào tạo cho đội ngũ quản lý cũng như đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quy trình sản xuất để cải tiến quá trình sản xuất.

Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp, trong đó, ở lĩnh vực điện tử, Samsung hiện có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí-ôtô, hiện có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho Toyota.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng được cải thiện đáng kể. Đơn cử, trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45-50 %; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15-20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô 5-20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ này nội địa hóa này cao hơn.

Tuy nhiên, đại diện Cục Công nghiệp cũng chỉ ra những tồn tại trong lĩnh vực này, đó là công nghiệp hỗ trợ vẫn đang nằm ở phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. Hơn nữa, mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa được chặt chẽ, mặc dù trong thời gian vừa qua các bộ, ngành, địa phương cũng đã rất nỗ lực trong việc kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia.

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cũng chia sẻ về năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng.

Theo ông, đồng hành với sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, như Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp cũng phải “tự thân” nâng cao năng lực tốt hơn, sản phẩm sảm xuất ra phải đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà cung cấp cho các doanh nghiệp đặt hàng.

Số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện đạt khoảng 5.000 doanh nghiệp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn trước tiềm lực vượt trội của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về khả năng vốn, cung ứng các sản phẩm chất lượng cao.

Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Hanel Xốp Nhựa (Hanel Plastics) cho hay, những khó khăn ban đầu khi bước vào thị trường rất lớn, do quy mô còn nhỏ, vốn ít, nhiều vấn đề nội tại về hệ thống quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, giao hàng track-in-time, đổi mới công nghệ (dù công ty đã chủ trương đầu tư công nghệ hiện đại để đón đầu nhưng đó là với sản phẩm xốp, còn khi sản xuất nhựa lại cần đầu tư khác), chưa kể nguồn lực tài chính không đủ, phụ thuộc nguồn linh kiện, vật tư nhập khẩu.

Tập trung phát triển theo chiều sâu

Hiện nay, trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, các nước có nhiều thay đổi trong chính sách xây dựng chuỗi cung ứng. Cụ thể, một số quốc có những doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đang xây dựng những chính sách để thu hút những doanh nghiệp đó quay trở về đầu tư tại chính nước của họ.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Anh, giữa bối cảnh bất ổn, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến những quốc gia có tình hình chính trị ổn định để làm nơi sản xuất ổn định, lâu dài.

“Với thế mạnh là tình hình chính trị rất ổn định và lực lượng lao động trẻ dồi dào, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận được trào lưu chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam,” ông Tuấn Anh nói.

Theo ông, làn sóng dịch chuyển này sẽ đổ vào rất nhiều ngành nghề, trong đó có những lĩnh vực, như công nghiệp công nghệ cao, bán dẫn… Gần đây nhất, trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến việc ký kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với những tập đoàn sản xuất chip bán dẫn hàng đầu của Hoa Kỳ. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng trong thời gian tới.

Song, để giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội, ông Tuấn cũng thông tin, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp như Samsung, Toyota để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nâng cao được năng lực cũng như kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng với nhau.

Riêng đối với việc mở rộng thị trường, ngoài việc xúc tiến đầu tư, Cục Công nghiệp sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành, để làm sao có một doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào, kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, từ đó giảm giá thành của sản phẩm, tăng lợi thế của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

"Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ sớm đưa vào khai thác, chế biến những loại khoáng sản mà doanh nghiệp sản xuất đang có nhu cầu rất lớn nhưng phải nhập khẩu, để chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu, góp phần giảm giá thành của sản phẩm,” đại diện Cục Công nghiệp cho hay.

Các triển lãm tạo cơ hội giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng, mở rộng thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về phía HANSIBA, ông Nguyễn Vân thông tin thêm, thành phố Hà Nội đang tập trung vào việc phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ theo chiều sâu. Các doanh nghiệp trong hiệp hội được kết nối, gặp gỡ đối tác ở miền Nam, ở miền Trung để kết nối cung cầu hàng hóa cho nhau, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, quản trị kinh doanh của từng doanh nghiệp.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, với Sở Công Thương để trên cơ sở những cơ chế chính sách, những mục tiêu của Nhà nước, của chính quyền thành phố Hà Nội mà các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thủ đô đạt được hiệu quả trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh,” ông Nguyễn Vân cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục