Công nghiệp là ''trụ đỡ'' kinh tế chính của Lào Cai hậu COVID-19

Mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19, sản xuất công nghiệp vẫn là điểm sáng trong phát kinh tế-xã hội của Lào Cai, góp phần rất lớn vào tăng trưởng GRDP địa phương (chiếm từ 47-48%).
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ngày 14/7, tại thành phố Lào Cai, đoàn công tác của Bộ Công thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh để nắm bắt tình hình phát triển công nghiệp-thương mại trên địa bàn 6 tháng đầu năm, tìm giải pháp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và một số công tác khác.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19, sản xuất công nghiệp vẫn là điểm sáng trong phát kinh tế-xã hội của Lào Cai, góp phần rất lớn vào tăng trưởng GRDP địa phương (chiếm từ 47-48%).

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh với 2010) 6 tháng đầu năm 2020 đạt 16.501 tỷ đồng, đạt 45,6% kế hoạch và tăng 10,8% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, do diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai những tháng đầu năm 2020 không mấy khả quan.

Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 10.083 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch và giảm 14,5% so với cùng kỳ.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1.280 triệu USD, đạt 32% kế hoạch và giảm 18,7% so với cùng kỳ.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, 6 tháng cuối năm 2020, địa phương sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển công nghiệp-thương mại.

Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai kiên quyết không điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch năm về giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội, tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn giúp công nghiệp-thương mại Lào Cai 6 tháng cuối năm phát triển tích cực, tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đề xuất Bộ Công Thương trao đổi thống nhất với cơ quan chức năng của Trung Quốc thí điểm kéo dài thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu Kim Thành-Bắc Sơn từ 7 giờ đến 22 giờ (giờ Hà Nội) và 8 giờ đến 23 giờ (giờ Bắc Kinh) đối với hàng nông sản xuất nhập khẩu của cả hai bên.

Hai bên bàn bạc thống nhất việc thiết lập cặp chợ biên giới Kim Thành (Lào Cai)-Bắc Sơn (Hà Khẩu).

[Những tín hiệu kinh tế khả quan của Lào Cai sau dịch bệnh COVID-19]

Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị phía tỉnh Vân Nam tích cực tham mưu cấp có thẩm quyền đưa Cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai-Hà Khẩu vào danh mục các cửa khẩu chỉ định được phép nhập khẩu nông sản, trái cây từ Việt Nam để tổ chức hoạt động thông quan xuất nhập khẩu một số loại trái cây, nông sản qua cặp cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai Hà Khẩu.

Mặt khác, tăng thêm số đôi chuyến tàu liên vận hoạt động hàng ngày nhằm giảm tải cho cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ rõ, trong quá trình phát triển công nghiệp-thương mại, Lào Cai đang ở trạng thái "lệch chân."

Trong công nghiệp, địa phương chưa có nhiều điều kiện phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ... mà chủ yếu tập trung công nghiệp khai khoáng, dựa trên nền tảng khai khoáng và năng lượng.

Còn trong xuất nhập khẩu, địa phương phụ thuộc chủ yếu vào một thị trường, chưa có điều kiện tiếp cận các thị trường mới-những thị trường giá trị gia tăng có thể cao hơn rất nhiều.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, rõ ràng tính bền vững trong mô hình phát triển tại Lào Cai ở các hoạt động về phát triển công nghiệp-thương mại chưa cao.

Bộ trưởng lưu ý, trong giai đoạn tới, Lào Cai cần đánh giá lại mô hình phát triển công nghiệp của địa phương, cách thức tổ chức thực hiện mô hình để có giá trị gia tăng cao hơn.

Để hỗ trợ địa phương, các cơ quan của Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát đánh giá lại việc thực hiện các quy hoạch và chiến lược ngành để giải phóng các nguồn lực, kể cả nguồn lực của xã hội, của khu vực tư nhân để thực hiện đầu tư phát triển công nghiệp. Đồng thời, mở thị trường mới không chỉ cho nông sản mà cả các sản phẩm công nghiệp; trong đó có cả công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp khai khoáng.

Về các kiến nghị của Lào Cai liên quan đến xuất nhập khẩu, khai thác khoáng sản, quy hoạch phát triển điện lực trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, xem xét, phân công cụ thể cho các Cục, Vụ, các Tổng công ty trực thuộc Bộ nghiên cứu, tháo gỡ; đồng thời, tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét những vấn đề vượt thẩm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục