Công nghiệp quốc phòng Anh kêu gọi Chính phủ hỗ trợ xuất khẩu

Giới chức ngành công nghiệp quốc phòng Anh kêu gọi Chính phủ nước này cần tăng cường vai trò tích cực hơn nữa trong việc quảng bá và mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm ra bên ngoài.
Công nghiệp quốc phòng Anh kêu gọi Chính phủ hỗ trợ xuất khẩu ảnh 1Máy bay tiêm kích đa năng Eurofighter Typhoon. (Ảnh: google.co.uk)

Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 14/7, giới chức ngành công nghiệp quốc phòng Anh kêu gọi Chính phủ nước này cần tăng cường vai trò tích cực hơn nữa trong việc quảng bá và mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm ra bên ngoài.

Lời kêu gọi của giới chức công nghiệp quốc phòng Anh được đưa ra trong bối cảnh sản phẩm máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon đánh mất nhiều thị trường chủ chốt vào "tay" các đối thủ cạnh tranh như máy bay tiêm kích đa năng Rafale của Pháp.

Ông Paul Everitt, Giám đốc điều hành Tập đoàn tư vấn về quốc phòng và hàng không-vũ trụ ADS, cho rằng cuộc chiến cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt hơn trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Vì vậy, Chính phủ Anh phải nhanh chóng đề ra một chiến lược lâu dài để mở rộng thị phần và chiếm lĩnh nhiều cơ hội xuất khẩu cho ngành công nghiệp quốc phòng.

Muốn đạt được mục tiêu này, theo ông Everitt, Chính phủ Anh cần thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với các nước, từ đó hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp quốc phòng. "Rõ ràng, quan hệ giữa chính phủ với chính phủ là chìa khóa cho bất cứ thỏa thuận hợp tác nào về an ninh và quốc phòng", ông nói, "Chúng ta có được lợi thế cạnh tranh khi Chính phủ hỗ trợ một cách linh hoạt hơn."

Trong báo cáo vừa công bố, ADS cho rằng mặc dù có 2 năm đạt tăng trưởng cao, nhưng ngành công nghiệp quốc phòng Anh đang phải đối mặt với cuộc chiến cạnh tranh gay gắt. Gần đây, chiến đấu cơ Rafale của Pháp đã vượt qua Eurofighter Typhoon - một trong những thế hệ máy bay tiêm kích đa năng hiện đại nhất thế giới do Tập đoàn công nghiệp quốc phòng BAE Systems (Anh) chế tạo, để có được những hợp đồng nặng ký tại Ấn Độ và Qatar.

Thực tế kể trên làm dấy lên mối quan ngại rằng Anh sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh khi chính phủ các nước tìm mọi cách hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng. Thỏa thuận mua 36 máy bay Rafale mà Ấn Độ ký kết được gắn với nhiều cam kết đầu tư của các công ty Pháp vào những dự án năng lượng và đường sắt tại quốc gia Nam Á này.

Hồi tháng 2/2015, BAE Systems cảnh báo rằng họ có thể phải ngừng một số dây chuyền sản xuất nếu không nhận được những hợp đồng mới cung cấp Eurofighter Typhoon. Báo cáo của ADS cũng kêu gọi cần xem xét lại thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu sang những bạn hàng đáng tin cậy như Mỹ.

Theo bản báo cáo này, hoạt động xuất khẩu hiện đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực duy trì đà tăng trưởng của ngành công nghiệp quốc phòng cũng như an ninh quốc gia Anh. Thị trường xuất khẩu được mở rộng và mang lại lợi nhuận cao sẽ giúp các công ty Anh giảm thiểu chi phí và tăng cường đầu tư vào công nghệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.