Công trình nghiên cứu phát hiện ra cơ chế "tự thực" (Autophagy) của tế bào đã mang lại cho giáo sư người Nhật Bản Yoshinori Ohsumi giải thưởng Nobel Y học năm 2016.
Cơ chế trên là quá trình một tế bào chuẩn tự "ăn" và tái tạo các thành phần của nó, theo đó loại bỏ các thành phần của tế bào đã bị thoái hóa.
Cơ chế này có tác động quan trọng đối với sức khỏe con người. Nếu cơ chế này ở tế bào bị gián đoạn có thể gây ra các bệnh như Parkinson và tiểu đường.
Trong tuyên bố chủ nhân giải Nobel Y học ngày 3/10, Hội đồng giải thưởng Nobel cho biết các phát hiện của nhà khoa học Ohsumi mở ra cách hiểu mới về nhiều tiến trình sinh lý, như khả năng thích nghi với cơn đói hoặc phản ứng khi bị nhiễm trùng.
Nhà khoa học Yoshinori Ohsumi (71 tuổi) nhận bằng tiến sỹ của Đại học Tokyo vào năm 1974 và hiện là giáo sư của Viện công nghệ Tokyo.
Giải Nobel Y học năm ngoái thuộc về 3 nhà khoa học gồm William Campbell người gốc Ailen, Satoshi Omura, người Nhật Bản và Youyou Tu người Trung Quốc với công trình nghiên cứu trong điều trị các bệnh do ký sinh trùng gây ra.
Hai nhà khoa học người Ireland và Nhật Bản nhận chung một nửa giải thưởng nhờ phát hiện ra loại thuốc mới có tên Avermectin - chống ký sinh trùng gây bệnh giun chỉ (hay còn gọi là bệnh mù sông) và gây bệnh phù chân voi (còn gọi là giun chỉ bạch huyết). Nhà khoa học Trung Quốc nhận nửa giải thưởng còn lại nhờ phát hiện ra thuốc Artemisinin điều trị bệnh sốt rét.
Nobel Y học là giải thưởng đầu tiên được trao tặng trong mùa giải Nobel hàng năm. Giải này trị giá 8 triệu crown Thụy Điển (tương đương 933.000 USD).
Như thường lệ, các nhà khoa học sẽ nhận giải tại buỗi lễ trao giải chính thức vào tháng 12 tới ở thành phố Stockholm của Thụy Điển./.