Công ty dầu khí đa quốc gia Royal Dutch Shell liên kết giữa Hà Lan và Anh ngày 10/10 tuyên bố nhà cung cấp này sẽ đền bù khí thải CO2 của khoảng 1,5 triệu người sử dụng đường bộ tại Anh bắt đầu từ cuối tháng này theo cơ chế khách hàng trung thành.
Thuật ngữ đền bù khí thải nói trên được hiểu là khi một cá nhân hay tổ chức nào đó triển khai một dự án như năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả hoặc tái sinh rừng và họ chỉ ra được dự án của mình đã giảm phát thải một cách hiệu quả, như vậy họ đã tạo ra các tín chỉ carbon (carbon credit). Mỗi một quốc gia hoặc doanh nghiệp đều được cấp hạn ngạch tín chỉ carbon và có thể sử dụng các cơ chế bù đắp như nơi sử dụng không hết tín chỉ có thể bán cho những nơi có lượng khí thải carbon vượt quá tín chỉ được cấp hoặc tăng số tín chỉ carbon bằng cách thực hiện các chương trình bảo vệ, thân thiện với môi trường.
Giám đốc Shell tại Anh, bà Sinead Lynch cho rằng cách tốt nhất để con người giảm khí thải đường bộ là sử dụng các phương tiện chạy bằng điện với nguồn năng lượng tái tạo. Bà nhấn mạnh ngày nay phần lớn người dân vẫn sử dụng khí đốt và dầu diesel, song công ty Shell có thể giúp giải quyết tác động từ nguồn phát thải khí này bằng cách đền bù CO2 cho các đơn mua nhiên liệu của khách hàng.
[Shell bán cổ phần tại Natural Resources với giá 3,3 tỷ USD]
Theo đó, kể từ ngày 17/10 đến tháng 9/2020, Shell sẽ sử dụng tín chỉ carbon từ những dự án bảo tồn tại Peru, Indonesia, Mỹ và Anh, để bù đắp cho lượng khí carbon thải ra từ nhiên liệu mà các khách hàng của Shell mua qua ứng dụng Shell Go+ hoặc mua bằng thẻ. Hiện có khoảng 20% khách hàng của công ty này đã đăng ký tham gia chương trình trên. Dự kiến chương trình này chi khoảng 10 triệu pound (12,2 triệu USD) và đền bù lượng khí thải từ khoảng 1,5 triệu ôtô.
Giống như nhiều công ty dầu khí khác, Royal Dutch Shell đang chịu sức ép từ phía các cổ đông yêu cầu phải chứng minh kế hoạch giảm thiểu khí thải carbon, giúp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính-nguyên nhân chính khiến Trái Đất ấm lên.
Chi phí cho đền bù carbon thay đổi tùy thuộc vào từng dạng dự án và những lợi ích xã hội cũng như môi trường mà chúng mang lại. Các tín chỉ carbon được giao dịch theo cơ chế có sự hỗ trợ của Liên hợp quốc với mức giá hiện tại là 0,22 euro đổi một tấn CO2, trong khi các doanh nghiệp đền bù carbon có thể trả tới 8 euro/tấn CO2.
Việc đền bù nói trên sẽ góp phần giúp gây quỹ cắt giảm phát thải khí ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, một số nhóm hoạt động khí hậu cho rằng việc này nên được sử dụng như một phương kế sau cùng, trong khi việc cắt giảm hoàn toàn khí thải cần phải là ưu tiên hàng đầu./.