Tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ Eni của Italy tin rằng họ sẽ có thể thay thế hoàn toàn lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào năm 2025 do sự không chắc chắn về nguồn cung năng lượng của Moskva cho châu Âu đang buộc các nước phải tìm kiếm các nguồn thay thế.
Ngày 31/7, Tập đoàn Eni tuyên bố rằng các sáng kiến được thiết kế để đảm bảo các nguồn cung mới, tương đương 100% số lượng 20 tỷ m3 khí đốt hàng năm mà Nga xuất khẩu sang thị trường Italy, vào năm 2025.
Sau khi ký các thỏa thuận cung cấp khí đốt mới với các nước Algeria, Ai Cập và Congo vào đầu năm nay, Eni nhận thấy các cơ hội nổi lên ở các quốc gia khác bao gồm Libya, Angola, Mozambique và Indonesia, cũng như ở trong nước.
Trong một hội nghị trực tuyến với các nhà phân tích, Giám đốc điều hành của Eni Claudio Descalzi cho biết: “Sau các thỏa thuận khí đốt mới với các đối tác của chúng tôi ở Algeria, Congo và Ai Cập hồi đầu năm, vào tháng 6, Eni đã tham gia liên doanh North Field East ở Qatar, một phần của dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới”.
[Nhiều nước Liên minh châu Âu thúc đẩy thỏa thuận chia sẻ khí đốt]
Theo kế hoạch, Algeria dự kiến sẽ cung cấp thêm 6 tỷ m3 (bcm) khí đốt vào năm 2023, tăng lên 9 bcm vào năm 2024. Ông Descalzi nói: "Gần đây, chúng tôi đã phát hiện ra khí đốt ở Algeria... chúng tôi cũng đang làm việc hiệu quả, với sự phối hợp tốt, với công ty Sonatrach của (Algeria) để có thể tăng (lượng cung cấp khí đốt)".
Eni là một trong những khách hàng mua buôn khí đốt lớn nhất của Nga. Kể từ giữa tháng 6, tập đoàn Gazprom của Nga đã cung cấp ít khí đốt hơn so với yêu cầu cho Eni, và các nước châu Âu lo ngại rằng họ có thể ngừng cung cấp hoàn toàn trong những tháng tới.
Eni tự tin rằng đơn vị danh mục đầu tư khí & LNG toàn cầu (GGP) của họ sẽ ít nhất là không bị lỗ trong năm 2022, ngay cả khi Moskva ngừng cung cấp khí đốt từ mùa Đông này.
Giám đốc của GGP Cristian Signoretto cho biết Eni đang nhận khoảng 27 triệu m3 khí đốt của Nga mỗi ngày.
Trước đó, ngày 29/7, Eni công bố lợi nhuận ròng đã điều chỉnh trong quý 2 của họ là 3,81 tỷ euro, nâng tổng số lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 7,08 tỷ euro, trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt do cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Italy cam kết có kế hoạch cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các sản phẩm năng lượng của mình vào năm 2050, với việc ngày càng tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo./.