Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, chiều ngày 9/12, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius - với tư cách Chủ tịch Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) - đã công bố bản dự thảo được sửa đổi của thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.
So với bản ngày 5/12 dài 48 trang, bản dự thảo mới được rút xuống còn 29 trang cho thấy các bên đã đạt được một số thỏa hiệp nhưng vẫn chưa vượt qua được bất đồng trong nhiều vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu nhân dịp này, Ngoại trưởng Pháp cho biết các bên đàm phán đã đạt được “nhiều bước tiến, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.”
Cụ thể, các bên đã đạt được thỏa hiệp về tăng cường khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và “gần như đã chạm đến sự nhất trí về giám sát việc thực hiện các cam kết.”
Ông cũng cho biết sự phân chia trách nhiệm giữa các nước phương Bắc và các nước phương Nam, vấn đề tài chính, mức độ tham vọng của thỏa thuận tiếp tục là những vấn đề gây bất đồng.
Theo kế hoạch, phiên bản cuối cùng của thỏa thuận phải được trao cho Chủ tịch Hội nghị muộn nhất là vào chiều ngày 10/12 (theo giờ Paris). Sau đó, văn bản này còn phải được dịch ra nhiều ngôn ngữ và tiến hành xác nhận pháp lý để được thông qua vào 18 giờ ngày 11/12 (rạng sáng ngày 12/12 theo giờ Hà Nội).
Để đạt được các mốc thời gian đó, các đoàn đàm phán phải căng ra làm việc hết công suất với các cuộc đàm phán kết thúc rất muộn vào chiều tối ngày 9/12.
Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã phản ứng tiêu cực, cho rằng bản dự thảo chỉnh sửa gây thất vọng vì không đáp ứng các kỳ vọng.
Ông Romain Benicchio, phát ngôn viên của tổ chức Oxfam, cho rằng văn bản này thể hiện việc “giữ nguyên hiện trạng” trước các thách thức lớn; việc tài trợ cho các nước dễ bị tổn thương nhất cũng như vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu không được nêu ra một cách rõ ràng.
Ngoài ra, sự thiếu vắng quyết tâm chính trị trong việc giảm phát thải khí nhà kính sau năm 2020 cũng gây lo ngại.
Trong khi đó, chuyên gia Célia Gautier của Mạng lưới Hành động vì khí hậu cho biết, nếu dự thảo không được sửa đổi thì thỏa thuận này sẽ không thể được thực hiện.
Còn bà Jennifer Morgan, lãnh đạo của Viện Tài nguyên thế giới của Mỹ, nhận định tất cả những vấn đề quan trọng nhất vẫn còn đang bỏ lửng.
Có mặt tại trung tâm Le Bourget-nơi diễn ra Hội nghị COP21, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố rằng từ nay đến năm 2020, Mỹ sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính cho các nước phương Nam nhằm ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, với mức 860 triệu USD vào năm 2020.
Ông cũng cho rằng tình hình đòi hỏi các bên không thể rời Paris mà không có được một thỏa thuận toàn cầu tham vọng và bền vững về khí hậu và việc không ký kết thỏa thuận sẽ là sai lầm tồi tệ nhất trong lịch sử./.