COP27: Đàm phán về khí hậu căng thẳng trong tuần làm việc cuối

Các nước phát thải nhiều CO2 và các nước đang phát triển tranh luận về vấn đề làm thế nào để đẩy nhanh tài trợ cho hoạt động giảm khí thải nhằm hạn chế tình trạng Trái Đất nóng lên.
COP27: Đàm phán về khí hậu căng thẳng trong tuần làm việc cuối ảnh 1Khói thải bốc lên từ một nhà máy lọc dầu ở Houston, Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/11, Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) được tổ chức tại thành phố Sharm el-Sheikh (Ai Cập) đã bước sang tuần làm việc cuối.

Tại đây, các nước phát thải nhiều CO2 và các nước đang phát triển tranh luận về vấn đề làm thế nào để đẩy nhanh tài trợ cho hoạt động giảm khí thải nhằm hạn chế tình trạng Trái Đất nóng lên.

Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Ai Cập kiêm Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry nhấn mạnh các nước vẫn còn nhiều việc cần làm trước mắt.

[Ai Cập khởi động sáng kiến về nước và thích ứng với biến đổi khí hậu]

Theo ông Shoukry, các nước vẫn đang chia rẽ về nhiều vấn đề quan trọng trong khi các bộ trưởng sẽ thảo luận trong tuần này để tìm sự đồng thuận trước khi hội nghị dự kiến kết thúc vào ngày 18/11 tới.

Bế tắc trong các cuộc đàm phán là các nước giàu phải chấp nhận bồi thường cho những nền kinh tế mới nổi vì đã đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu, trong khi tổng nhu cầu tài trợ dường như lên tới hàng nghìn tỷ, thay vì hàng tỷ USD.

Đối với các nước đang phát triển, ưu tiên tại hội nghị lần này là hối thúc các nước giàu thực hiện đúng cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD/năm cho các nước nghèo “xanh hóa” nền kinh tế và xây dựng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Các nước cũng chia rẽ sâu sắc về vấn đề lập một quỹ bồi thường cho “thiệt hại và mất mát,” theo đó các nước giàu gây ô nhiễm sẽ bồi thường cho các nước đang phát triển vì những thiệt hại do thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu gây ra.

Bên cạnh đó, các bên tham gia hội nghị cũng bất đồng về mục tiêu kiềm chế đà tăng nhiệt toàn cầu ở mức tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Đại diện cho nhóm sáu nước, Thụy Sĩ đề xuất đưa một mục vào chương trình nghị sự chính thức của COP27 để củng cố mục tiêu này.

Một đại biểu cho rằng: “Chủ yếu là đảm bảo không gian cho các cam kết về 1,5 độ C.”

Các nước phát triển ủng hộ đề xuất này trong khi nhiều nước đang phát triển phản đối do lo ngại điều này hàm ý sẽ đàm phán lại Hiệp định Paris.

Đến nay, nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, gây ra nhiều thiên tai với mức độ ngày càng nghiêm trọng, như lũ lụt khiến 1/3 diện tích Pakistan bị ngập vào mùa Hè và cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.700 người.

Hội nghị COP26 năm ngoái hối thúc các nước tăng cường cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước khi COP27 diễn ra, nhưng chỉ khoảng 30 quốc gia thực hiện.

Điều này khiến hành tinh của chúng ta có thể tăng khoảng 2,5 độ C vào cuối thế kỷ này và ngày càng tiến đến những điểm tới hạn nguy hiểm về khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục