COP28: Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

Tổng thư ký Liên hợp quốc chỉ rõ thế giới chỉ có thể kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C nếu con người dừng hoàn toàn, chứ không phải cắt giảm, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị COP28. (Ảnh: AP)

Ngày 1/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng cần phải chấm dứt hoàn toàn việc đốt nhiên liệu hóa thạch và việc con người cắt giảm sử dụng loại nhiên liệu này sẽ là không đủ để ngăn đà tăng nhiệt của Trái Đất.

Tuyên bố này được đưa ra trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, UAE.

Trong bài phát biểu trước lãnh đạo các nước tham dự COP28, Tổng thư ký Guterres nhận định con người không thể cứu vãn một hành tinh đang cháy với "vòi cứu hỏa bằng nhiên liệu hóa thạch."

Ông chỉ rõ rằng thế giới chỉ có thể kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C nếu con người dừng hoàn toàn, chứ không phải cắt giảm, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ông cũng kêu gọi các công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch hướng tới chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Nhấn mạnh vai trò của các chính phủ, người đứng đầu thể chế đa phương này cho rằng họ nên hỗ trợ để thúc đẩy sự chuyển đổi này, bao gồm thực hiện các biện pháp như áp thuế lợi tức phụ thu, ấn định mức giá carbon và chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.

Cũng phát biểu tại hội nghị này, Vua Charles III của Anh cho rằng thế giới đang rất "xa vời" trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp nguy hiểm nếu con người không nhanh chóng khôi phục môi trường.

Theo Vua Charles III, các bên cần hành động nhiều hơn. Ông cũng hy vọng rằng COP28 sẽ là "bước ngoặt quan trọng" khác hướng tới hành động mang tính chuyển đổi thực sự.

Cùng ngày, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed Bin Zayed đã công bố thành lập một Quỹ Khí hậu trị giá 30 tỷ USD dành cho các giải pháp khí hậu toàn cầu.

Trong tuyên bố, Tổng thống Bin Zayed nhấn mạnh mục tiêu của quỹ này là nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính cho khí hậu và kêu gọi đầu tư 250 tỷ USD cho các giải pháp khí hậu từ nay đến năm 2030.

Cùng ngày, các nhà đàm phán tại COP28 đã công bố dự thảo đầu tiên của thỏa thuận Liên hợp quốc về hành động vì khí hậu, trong đó kêu gọi các nước cắt giảm hoặc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Dự thảo này do Anh và Singapore hậu thuẫn. Sự chia rẽ đã thể hiện rõ giữa các nhà đàm phán liên quan đến tương lai của nhiên liệu hóa thạch và các đề xuất về việc cắt giảm dần hoặc loại bỏ nhên liệu này.

Tuy nhiên, việc đưa đề xuất hạn chế sử dụng than, dầu và khí đốt vào một thỏa thuận cuối cùng về khí hậu đã nhận được sự ủng hộ lớn của các nhà đàm phán.

Theo giới quan sát, các thuật ngữ “loại bỏ” và “giảm dần” sẽ là chủ đề tranh luận trong thời gian tới.

Bà Lola Vallejo, chuyên gia từ tổ chức nghiên cứu khí hậu IDDRI (Pháp), cho biết việc các bên thảo luận về những thuật ngữ này cho thấy sự tham vọng hơn bất cứ điều gì từng được đưa ra bàn thảo tại COP27, vì vậy ngay cả việc các thuật ngữ đó vào danh sách các lựa chọn cũng là bước tiến lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục