Trước khi Philippe Coutinho chống đối lại ban lãnh đạo Liverpool để đòi tới Barcelona, hai tiền bối đồng hương nổi danh của tiền vệ sinh năm 1992 đã từng tạo ra những phi vụ gây chấn động hơn thế vào nhiều năm trước.
Từ Ronaldo…
“Người ngoài hành tinh” Ronaldo tới Inter Milan từ Barcelona với giá 23 triệu bảng vào năm 1997 với tư cách cầu thủ thủ xuất sắc nhất thế giới sau một mùa giải phi thường cùng Barcelona.
Mùa đầu tiên của Ronaldo tại sân Giuseppe Meazza diễn ra suôn sẻ với cá nhân anh. Ronaldo ghi được 25 bàn tại Serie A, chỉ kém "vua phá lưới" Oliver Bierhoff (Udinese) 2 bàn.
Mùa 1998-1999 chứng kiến Inter chỉ về đích thứ 8 sau cuộc khủng hoảng trên băng ghế huấn luyện. Ngày 21/11/1999, hành trình đau khổ của Ronaldo chính thức bắt đầu, anh dính chấn thương đầu gối trong trận gặp Lecce tại Serie A.
Năm tháng sau, Ronaldo tái xuất trong trận gặp Lazio tại Coppa Italia. Sau khi vào sân vài phút, Ronaldo lao vào Fernando Couto phía Lazio, khi va chạm còn chưa diễn ra Ronaldo bất ngờ ngã xuống ôm đầu gối phải hét lên.
Chấn thương tái phát, “Người ngoài hành tinh” ở ngoài sân cỏ thêm hai năm nữa và chỉ trở lại vào cuối mùa giải 2001/02. Ngày 5/5/2002, Inter thua Lazio 2-4 ở vòng đấu cuối cùng của mùa giải, đánh mất Scudetto vào tay Juventus.
Ronaldo tới Hàn Quốc và Nhật Bản tham dự World Cup 2002 cùng đội tuyển Brazil với vô vàn hoài nghi. Kết quả sau cùng nằm ngoài tưởng tượng của tất cả: Brazil vô địch, Ronaldo giành ngôi “Vua phá lưới” với 8 bàn, trong đó có cú đúp tung lưới Oliver Kahn của đội tuyển Đức ở trận chung kết.
Trở về Inter, Ronaldo nhận được lời đề nghị của Real Madrid. Nỗ lực xây dựng Dải thiên hà của chủ tịch Florentino Perez cần mảnh ghép mang tên Ronaldo.
Sau hai năm ngồi chơi xơi nước nhưng vẫn được cưng chiều hết mực, Ronaldo gây sức ép ngược lên ban lãnh đạo Inter, đứng đầu là chủ tịch Massimo Moratti, để ra đi.
Tiền đạo người Brazil bỏ tập, người đại diện của anh cũng liên tục thực hiện những cuộc gặp mặt với giám đốc chuyển nhượng Inter ngày đó là Gabriele Oriali để yêu cầu buông tha cho thân chủ của mình.
Sau cùng Inter phải chấp thuận để Ronaldo rời đi. “Cậu ta rời đi như một tên trộm,” Javier Zanetti, đội trưởng Inter ngày đó mô tả ngày Ronaldo tới sân tập Appiano Gentile và thu dọn đồ đạc.
Tất cả đều chờ một lời tạm biệt của “Người ngoài hành tinh,” nhưng điều ấy không bao giờ tới. Inter đã cưu mang Ronaldo, Chủ tịch Moratti coi “Người ngoài hành tinh” như con trai nhưng tất cả những gì Nerazzurri nhận lại chỉ là sự quay lưng tới đáng sợ của cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.
Samuel Eto’o đã rời khỏi Inter vào mùa Hè 2011 để tới Nga đầu quân cho Anzhi trong một bản hợp đồng biến “Báo đen” trở thành cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới.
Eto’o đã làm gì? Anh tới Appiano Gentile bắt tay từng đồng đội, thậm chí tặng quà cho từng người một. Ronaldo, vào năm 2002, đã không dám làm điều ấy.
Tới… Kaka
Những câu chuyện đằng sau vụ chuyển nhượng Kaka từ AC Milan tới Real Madrid vào năm 2009 tới giờ vẫn được đem ra bàn tán mỗi khi những Milanista gạo cội có dịp ngồi lại với nhau.
Chẳng có viễn cảnh mùi mẫn Kaka tới Real Madrid là giúp Milan trả nợ nào cả, đó hoàn toàn là chuyện làm ăn. Real đã đưa ra một lời đề nghị Kaka không muốn từ chối. Còn Milan thì chấp nhận nhả người sau khi biết đủ những vấn đề của Kaka.
Người đại diện của Kaka, giống trường hợp của Neymar, chính là bố cầu thủ này. Kể từ sau khi tỏa sáng giúp Milan vô địch Champions League 2007 và giành Quả bóng Vàng châu Âu, ông bố Bosco đã liên tục vòi ban lãnh đạo Milan tăng lương cho Kaka.
Những yêu cầu được chấp thuận, tháng 3/2008, Kaka gia hạn hợp đồng thêm 5 năm với Rossoneri. Nhưng tới mùa Hè, ban lãnh đạo Milan tiếp tục phải nghe những yêu cầu đòi tăng lương quá đáng tới từ siêu sao người Brazil.
Phó Chủ tịch Milan khi đó, Adriano Galliani đã sử dụng chiêu bài mềm mỏng để thuyết phục bố con Kaka nhưng không thành.
Đánh hơi thấy "có biến" tại San Siro, Chelsea, Manchester City và Real Madrid quyết nhảy vào chiêu mộ tiền vệ người Brazil. Trong hoàn cảnh ấy, ban lãnh đạo Milan quyết tìm ra phương án có lợi nhất cho mình.
Đây là chuyện làm ăn, không phải gia đình. Galliani quyết định sử dụng Manchester City làm mồi nhử hút sự chú ý của truyền thông. Thế giới lúc ấy nghĩ Kaka sẽ rời Milan tới Man City ngay trong tháng 1/2009.
Tất cả báo giới đứng chầu chực trước cửa nhà Kaka giữa đêm, hệt như một cuộc bầu cử tổng thống để rồi tiền vệ người Brazil bước ra cầm chiếc áo Milan chỉ vào logo của câu lạc bộ và cười tươi như một ngôi sao Hollywood.
“Tiền không phải tất cả,” Chủ tịch Milan, Silvio Berlusconi tuyên bố vào thời điểm ấy. Kaka được giữ lại. Nhưng chỉ có trẻ con mới tin ông. Và thậm chí ngay cả những đứa trẻ con vào lúc ấy cũng kịp nhìn rõ "màn kịch" kinh khủng mà Kaka cùng Milan đã dựng ra, chỉ sáu tháng sau đó.
Vì Real Madrid đã tiếp cận và đưa Kaka về Santiago Bernabeu thành công. Mức giá là 65 triệu euro, chỉ bằng một nửa số tiền mà những ông chủ Arab của Man City dự định chi vào tháng Một năm đấy.
55 triệu euro đó đi đâu? Số tiền khổng lồ ấy được giành cho một tháng ngồi chơi xơi nước của Kaka ngay sau khi thương vụ tới Man City đổ bể.
“Thiên thần” của Milan bị một vết đau bí ẩn, và chịu ngồi ngoài sân một tháng, bỏ lỡ 2 trận gặp Werder Bremen tại UEFA Cup (Milan bị loại) và 4 trận tại Serie A.
Sau này tất cả mới biết, Florentino Perez đã quá… khờ khi trả tới 65 triệu euro cho Milan. Vết đau bí ẩn đấy hóa ra nghiêm trọng tới mức khiến Kaka vĩnh viễn không thể trở lại là chính mình.
Bốn năm trong màu áo trắng của Kaka buồn nhiều hơn vui, anh tái hợp ngắn ngủi với Milan trong mùa giải 2013/14 trước khi chuyển sang Orlando City tại giải nhà nghề Mỹ MLS chơi bóng.
Nếu không có vết đau bí ẩn đấy, Kaka liệu có chịu tới Real Madrid, hay anh sẽ đồng ý với một hợp đồng kếch xù mà những người Arab của Man City soạn ra, không ai biết, tất cả chỉ biết rằng Perez buộc phải có Kaka vào lúc ấy để cùng với Cristiano Ronaldo tạo ra đối trọng với bộ đôi Lionel Messi-Zlatan Ibrahimovic phía kình địch Barcelona.
Với những cầu thủ Brazil, không có giá trị nào tồn tại vĩnh cửu ngoài tiền bạc và danh vọng. Những năm tháng nghèo khó đưa cho họ tài năng chơi bóng thiên bẩm đi kèm với đó là sự thực dụng tới tàn nhẫn.
Liverpool có thể cho Coutinho những gì mà Barcelona không thể hay không? Nếu câu trả lời là không, Anfield sẽ không bao giờ còn là sân khấu của Coutinho, giống như cách Kaka âm thầm đào thoát khỏi Milan hay Ronaldo công khai trốn thoát Inter./.