COVAX hy vọng nhận hơn 5 tỷ USD để tài trợ tiêm chủng năm 2022

Theo COVAX, họ cần thêm 3,7 tỷ USD để tài trợ cho khoảng 600 triệu liều vaccine, đảm bảo nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19 đáng tin cậy cho các quốc gia nghèo nhất.
COVAX hy vọng nhận hơn 5 tỷ USD để tài trợ tiêm chủng năm 2022 ảnh 1Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Sinopharm tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 19/1, Cơ chế COVAX (cơ chế nhằm đảm bảo nguồn vaccine phòng COVID-19 đến được các nước nghèo) cho biết họ cần 5,2 tỷ USD trong vòng ba tháng tới để tài trợ cho hoạt động tiêm chủng trên thế giới vào năm 2022.

Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là hai trong số các nhà đồng sáng lập cơ chế COVAX.

Theo COVAX, họ cần thêm 3,7 tỷ USD để tài trợ cho khoảng 600 triệu liều vaccine, đảm bảo nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19 đáng tin cậy cho các quốc gia nghèo nhất. Số này cũng bao gồm các mũi bổ sung hoặc vaccine đối phó với biến thể virus mới.

1 tỷ USD nữa sẽ dành cho việc hỗ trợ hoạt động chuẩn bị và giao nhận vaccine ở các quốc gia nghèo, và 545 triệu USD khác để trang trải chi phí cho việc chuyển giao số vaccine được tặng, chẳng hạn như ống tiêm, phí vận chuyển và bảo hiểm.

Cho đến nay, lời kêu gọi của COVAX đã nhận được 192 triệu USD từ các nhà tài trợ.

COVAX đã đạt được mốc quan trọng là vận chuyển liều vaccine thứ 1 tỷ của mình vào cuối tuần trước, sau một đợt giao hàng tới các quốc gia thành viên vào tháng 11 và tháng 12/2021. Song cơ chế này hy vọng có thể tăng cường lượng vaccine phân bổ trong năm nay.

[Chương trình chia sẻ vaccine COVAX đạt mốc phân phối được 1 tỷ liều]

Người đứng đầu Liên minh GAVI, ông Seth Berkley, hy vọng 1 tỷ liều vaccine tiếp theo sẽ chỉ mất từ 4-5 tháng để phân phối, thay vì một năm như đối với tỷ liều đầu tiên.

COVAX cho biết họ có đủ nguồn cung cấp vaccine đã được xác nhận để tiêm chủng cho khoảng 45% dân số ở 92 quốc gia được nhận tài trợ. Tuy nhiên, có tới 25 quốc gia trong số đó đang tụt hậu trong việc đảm bảo khả năng nhận, vận chuyển và lưu trữ vaccine từ các sân bay tới khi tiêm chủng cho người dân.

Còn theo ước tính của COVAX, họ có thể cứu hơn một triệu sinh mạng vào năm 2022 và giảm một nửa chi phí kinh tế cho đại dịch ở một số quốc gia, với tốc độ triển khai tiêm vaccine nhanh.

Trong khi đó, theo Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, dù gần 10 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu, vẫn còn gần một nửa dân số thế giới hoàn toàn chưa được tiêm chủng.

Ông nhận định chính sự mất cân bằng đã dẫn đến các biến thể mới như Omicron, đồng thời cảnh báo biến thể tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục