Chính phủ liên bang Đức đã thống nhất trong năm 2022 sẽ viện trợ ít nhất 75 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo và kế hoạch viện trợ này không ảnh hưởng tới chiến dịch tiêm chủng ở Đức.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu với hãng tin RND của Đức ngày 28/12, Bộ trưởng Hợp tác kinh tế và Phát triển liên bang Svenja Schulze nhấn mạnh Chính phủ Đức sẽ làm mọi cách để có thể chấm dứt đại dịch trong thời gian sớm nhất, với chìa khóa là việc tạo điều kiện cho mọi người dân trên thế giới được tiếp cận với vaccine phòng COVID-19.
Với các nước đối tác, Đức sẽ tiếp tục tài trợ thuốc, oxy và bộ kit xét nghiệm để điều trị cho các bệnh nhân nặng.
Bộ trưởng Schulze cũng đánh giá cao sáng kiến phân bổ vaccine COVAX của Liên hợp quốc, đồng thời cho biết sáng kiến này đang không chỉ thiếu vaccine mà cũng cần hỗ trợ về logistics. Do đó, Đức đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ COVAX để vaccine có thể đến với người dân không chỉ ở các đô thị mà cả ở những vùng xa xôi hẻo lánh.
Để làm được điều này không chỉ cần xây dựng chuỗi cung ứng, thiết bị vận chuyển, tủ lạnh, ống tiêm, chất khử trùng, găng tay mà cũng cần có chiến dịch tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân, bởi những người hoài nghi vaccine vẫn còn nhiều ở các nước trên thế giới.
Bộ trưởng Schulze đồng thời khẳng định Đức sẽ đạt được mục tiêu hỗ trợ 100 triệu liều cho COVAX trong năm nay. Ngoài ra, trong năm 2022, Đức cũng đã lên kế hoạch tiếp tục hỗ trợ ít nhất 75 triệu liều cho các nước nghèo trên thế giới.
[Đức cam kết viện trợ 350 triệu liều vaccine cho các nước nghèo]
Theo bà, Chính phủ Đức đã đạt nhất trí về việc thực thi song song cả hai mũi, gồm cung cấp đủ vaccine cho người dân Đức cũng như hỗ trợ vaccine cho người dân ở nước nghèo. Do vậy, người dân Đức không cần phải lo ngại việc viện trợ vaccine ảnh hưởng tới số vaccine dùng cho việc tiêm chủng trong nước.
Cũng theo Bộ trưởng Schulze, Chương trình Hợp tác toàn cầu Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) cần được bổ sung thêm 17 tỷ USD trong năm tới.
Trong năm 2021, Đức đã hỗ trợ cho sáng kiến này 2,2 tỷ euro (khoảng 2,4 tỷ USD) và dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ ACT-A 1,1 tỷ euro trong năm tới. Đức sẽ là một trong số nước đi đầu và hy vọng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bày tỏ tình đoàn kết thông qua việc hỗ trợ chương trình này.
Liên quan tình hình dịch bệnh ở Đức, theo thông báo sáng 29/12 của Viện Robert Koch (RKI), trong 24 giờ qua, cả nước Đức ghi nhận có thêm hơn 40.000 ca nhiễm và 414 ca tử vong. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày giảm xuống mức 205,5.
Theo RKI, một trong những lý do khiến số ca nhiễm mới giảm là đang trong kỳ nghỉ lễ nên số trường hợp làm xét nghiệm ít hơn, trong khi nhân lực làm việc tại các sở y tế địa phương cũng mỏng hơn nên việc báo cáo có phần chậm trễ.
Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach cảnh báo số liệu đang không phản ánh thực tế lây nhiễm ở Đức trong bối cảnh biến thể Omicron đang hoành hành mạnh ở nhiều nước châu Âu.
Ông kêu gọi cần nhanh chóng tập hợp đủ dữ liệu đáng tin cậy trên toàn nước Đức để có được bức tranh toàn cảnh, qua đó có thể đánh giá tốt hơn tình hình dịch bệnh ở Đức./.