Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 16/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 73.777.362 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.640.301 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 51.782.909 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 310.813 ca tử vong trong tổng số 17.133.932 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 144.130 ca tử vong trong số 9.932.908 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 182.854 ca tử vong trong số 6.974.258 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 156 người tử vong. Tiếp đến là Peru (với 111 người) và Italy (108 người).
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 22,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 485.400 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 472.800 ca tử vong trong hơn 14,1 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 313.900 ca tử vong trong hơn 16,9 triệu ca nhiễm.
Châu Á ghi nhận hơn 206.300 ca tử vong trong hơn 13,1 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 85.100 ca tử vong, châu Phi có hơn 56.600 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 942 người.
[Dịch COVID-19: Tổng thống Mỹ khuyến khích người dân tiêm vắcxin]
Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 vẫn tiếp tục tăng cao trên thế giới, chính quyền thành phố Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Quốc ngày 15/12 thông báo phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Argentina.
Theo cơ quan phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 quận Cao Tân, phần lớn trong số 342 sản phẩm thịt bò nhập khẩu thuộc lô hàng vẫn ở trong nhà kho, song 66 sản phẩm trong số đó đã được bán ra tại các quận, huyện chưa được xác định ở Trùng Khánh. Cơ quan chức năng Trùng Khánh đã triển khai công tác ứng phó khẩn cấp để truy dấu hàng hóa, xét nghiệm những người có nguy cơ nhiễm bệnh, làm sạch và khử trùng môi trường.
Chính phủ Ai Cập ngày 15/12 đã triển khai một trang mạng để người dân có thể đặt trước các liều vắcxin ngừa bệnh COVID-19. Kế hoạch được triển khai chỉ ít ngày sau khi quốc gia Bắc Phi này nhận được lô vắcxin đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Người dân có nhu cầu đặt trước vắcxin ngừa COVID-19 có thể đăng ký thông tin cá nhân trên trang mạng này kể từ đầu tuần tới.
Trước đó, Ai Cập đã nhận được 50.000 liều vắcxin ngừa COVID-19 do Tập đoàn dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc phát triển. Lô vắcxin thứ hai gồm 50.000 liều tiếp tục được chuyển tới Cairo trong ngày 15/12. Ai Cập cũng đã đặt trước hai loại vắcxin khác từ nhà sản xuất Pfizer và Oxford, đồng thời đàm phán với Sinovac Biotech để sản xuất vắcxin nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và các quốc gia châu Phi khác.
Trong những tuần gần đây, số trường hợp mắc COVID-19 tại Ai Cập có xu hướng gia tăng trở lại và đã vượt qua ngưỡng 500 ca/ngày. Theo số liệu mới nhất, Ai Cập ghi nhận tổng cộng 122.086 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 6.943 ca tử vong.
Tại châu Âu, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã phê duyệt thủ tục cung cấp vắcxin ngừa COVID-19. Theo quy định, hằng tuần các nhà sản xuất sẽ gửi thông tin về lượng vắcxin còn dư cho Bộ Y tế Nga, và cơ quan này sẽ phân phối số vắcxin này trong vòng 2 ngày, dựa trên nhu cầu cụ thể của mỗi khu vực.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Mikhail Murashko xác nhận chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 đã bắt đầu được triển khai ở tất cả các khu vực trên toàn nước Nga. Người nước ngoài đang sinh sống ở thủ đô Moskva nếu hội đủ điều kiện có thể được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng hàng loạt đang được triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Theo Sở Y tế Moskva, Nga đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc cho các nhân viên y tế, giáo viên và những người lao động có nguy cơ cao mắc COVID-19. Trong khi đó, công dân nước ngoài bao gồm các bác sĩ và những người làm công tác giáo dục có hộ chiếu hợp lệ, giấy chứng nhận việc làm và bảo hiểm y tế công cộng có thể đăng ký tiêm vắcxin Sputnik V, hiện được phân phối tới 70 phòng khám ở Moskva.
Trong một tuyên bố ngày 15/12, các quốc gia châu Âu gồm Đức, Pháp, Italy, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ cho biết sẽ phối hợp khởi động các chiến dịch tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19. Bộ trưởng y tế của 8 nước nói trên khẳng định sẽ thúc đẩy "phối hợp trong công tác triển khai các chiến dịch tiêm chủng" và sẽ nhanh chóng chia sẻ thông tin về cách thức tiến hành, cùng với những cam kết về những nội dung liên quan.
Tại Mỹ, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ khuyến khích người Mỹ tiêm vắcxin ngừa COVID-19, đồng thời khẳng định bản thân Tổng thống Trump cũng sẽ tiêm vắcxin ngay khi đội ngũ y tế của ông xác định thời gian tốt nhất để thực hiện tiêm chủng.
Phát biểu trước các phóng viên trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, bà McEnany nêu rõ Tổng thống Trump mong muốn những người Mỹ dễ bị tổn thương được ưu tiên hàng đầu tiêm vắcxin ngừa COVID-19./.