Theo tin đăng tải trên tờ New Straits Times ngày 7/10, Credit Suisse nhận định rằng Malaysia sẽ là nước thứ hai, sau Việt Nam, hưởng lợi lâu dài và nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 10% vào năm 2025, trong khi kinh tế Malaysia có thể tăng thêm 5% và Singapore có khả năng được hưởng lợi tương đối nhỏ.
Ông Michael Wan, nhà kinh tế học tại Credit Suise Group AG ở Singapore, dự kiến các ngành sản xuất sẽ được hưởng lợi nhiều nhất tại Việt Nam và Malaysia.
Đối với những nước châu Á không tham gia TPP, ông Michael Wan cho rằng tác động tiêu cực chỉ ở mức độ không đáng kể, nhưng nếu những nước này tham gia TPP thì có thể có được lợi ích khá lớn, với mức tăng GDP dao động trong khoảng 2-7%.
Ví dụ, GDP của Thái Lan được dự báo sẽ chỉ tăng thêm 0,4% vào năm 2025, nhưng con số này có thể là 7,6% vào cùng thời gian, nếu nước này tham gia TPP.
Theo nghiên cứu của Viện kinh tế quốc tế Peterson, những lĩnh vực có thể có nhiều thuận lợi nhất bao gồm may mặc, giày dép, điện tử và xây dựng của Việt Nam; thiết bị điện tử, may mặc và giày dép của Malaysia; may mặc, giày dép và máy móc của Singapore và các lĩnh vực giao thông vận tải liên quan.
Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng mặc dù TPP sẽ đóng góp đáng kể cho hội nhập kinh tế trong dài hạn, dù hiệp định không thể là yếu tố thay đổi triển vọng kinh tế trong ngắn hạn.
Nếu TPP được phê chuẩn, hệ quả quan trọng nhất sẽ nằm trong việc thiết lập các quy tắc và hướng dẫn, theo đó hội nhập kinh tế sẽ sâu sắc hơn ở khu vực ven Thái Bình Dương.
TPP có thể mang tới lợi ích ở các mức độ khác nhau đối với những nước tham gia hiệp định, và cũng có thể chuyển hướng thương mại và đầu tư từ các nước không tham gia.
Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc và Indonesia hiện nay không tham gia TPP.
12 nước tham gia hiệp định gồm Mỹ, Nhật Bản, Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Australia, Canada, Malaysia, Mexico, Peru và Việt Nam./.