Crimea bắt đầu trưng cầu dân ý về quy chế tương lai

Người dân Crimea đã bắt đầu bỏ những lá phiếu đầu tiên cho cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của bán đảo và thành phố Sevastpol.
Crimea bắt đầu trưng cầu dân ý về quy chế tương lai ảnh 1Chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý tại một phòng bỏ phiếu của Crimea. (Nguồn: Reuters)

Theo Itar-Tass, vào lúc 8 giờ sáng theo giờ địa phương (khoảng 14 giờ theo giờ Việt Nam) người dân Crimea đã bắt đầu bỏ những lá phiếu đầu tiên cho cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của bán đảo và của thành phố cảng chiến lược Sevastpol.

Người dân địa phương sẽ quyết định Crimea có sáp nhập với Nga hay vẫn là nước cộng hòa tự trị thuộc Ukraine nhưng có thẩm quyền rộng rãi hơn.

Các cứ tri sẽ phải lựa chọn trả lời hai câu hỏi. Một là có đồng ý sáp nhập Crimea vào với Nga như là một chủ thể liên bang hay không. Hai là có đồng ý khôi phục hiến pháp 1992 và duy trì Crimea trong thành phần Ukraine với quyền tự trị mở rộng?

Trước sự kiện này, Hội đồng tối cao Crimea đã thông qua tuyên bố độc lập của bán đảo này. Đây là một bước thủ tục cần thiết để tiến hành trưng cầu dân ý.

Theo chính quyền địa phương, an ninh tại các khu vực bầu cử đang được đảm bảo bởi các lực lượng tự vệ Crimea.

Theo thông báo chính thức, quân số của lực lượng tự vệ đã đạt đến 10.000 người. Họ đang kiểm soát mọi ngả đường dẫn vào bán đảo cũng như các trụ sở chính quyền và các địa bàn quan trọng.

Các lực lượng cảnh sát và Cục tình trạng đặc biệt của thành Sevastopol đã tăng cường các phương án đảm bảo an ninh tại các địa điểm bầu cử và các địa bàn dân cư phức tạp. Các nhân viên cứu hộ và cảnh sát tuần tra cũng túc trực thường xuyên gần các khu vực đặt thùng phiếu.

Lệnh hạn chế đi lại đối với các phương tiện giao thông cá nhân cũng đã được ban bố trong thời gian từ 5 giờ sáng ngày 16/3 sang đến ngày 17/3 tại khu vực trung tâm Sevastopol.

Kiev và phương Tây vẫn giữ lập trường phản đối cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, khi gọi đây là hành động bất hợp pháp.

Cuộc bỏ phiểu dự thảo nghị quyết về tình hình Crimea tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Mỹ đệ trình đã kết thúc thất bại.

Mặc dù có 13 quốc gia ủng hộ dự thảo này, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng, nhưng duy nhất Nga bỏ phiếu chống đã khiến dự thảo nghị quyết mất tác dụng.

Dự thảo nghị quyết do Mỹ đệ trình cho rằng “không thể coi cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra ở Crimea là hợp pháp,” đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các cơ quan quốc tế chuyên biệt không công nhận kết quả bỏ phiếu này.

Theo lời Thủ tướng Crimea Sergey Aksenov, không ai có quyền hủy bỏ quyền tự quyết, và rằng các quốc gia phương Tây cần phải chú ý nghiên cứu các chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

“Ngay cả Hiến pháp Ukraine cũng khẳng định nhân dân là chủ thể của chủ quyền và là nguồn gốc duy nhất của quyền lực, không ai có thể tước bỏ quyền lực của người dân, do đó không ai có thể nghi ngờ về tính hợp pháp của trưng cầu dân ý” - Thủ tướng Crimea Aksenov nhấn mạnh.

Chứng kiến cuộc trưng cầu dân ý này có 135 quan sát viên nước ngoài tới từ 23 quốc gia và 1.240 quan sát viên trong nước, cùng khoảng 2.500 phóng viên quốc tế.

Kết quả cuối cùng sẽ được công bố sau ngày 17/3./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.