CSIS nêu ra một căn cứ tên lửa không công bố của Triều Tiên

CSIS ngày 15/2 đã cung cấp thông tin một căn cứ tên lửa khác của Triều Tiên, mà theo nhóm này, không được chính quyền Bình Nhưỡng công bố.
CSIS nêu ra một căn cứ tên lửa không công bố của Triều Tiên ảnh 1(Nguồn: Tageo.com)

Yonhap đưa tin, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một nhóm chuyên gia cố vấn của Mỹ ngày 15/2 đã cung cấp thông tin một căn cứ tên lửa khác của Triều Tiên, mà theo nhóm này, không được chính quyền Bình Nhưỡng công bố.

Theo CSIS, căn cứ tên lửa Sangnam-ni, nằm cách khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên khoảng 250 km về phía Bắc, được trang bị với tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-10 với tầm bắn hơn 3.000 km.

Kể từ cuối năm 2018, CSIS đã công bố một loạt báo cáo về cái mà nhóm này gọi là khoảng 20 căn cứ tên lửa không được công bố tại Triều Tiên.

Báo cáo mới nhất được đưa ra khi chỉ còn chưa đầy 2 tuần, cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra nhằm thảo luận về việc dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của chính quyền Bình Nhưỡng, đổi lấy những đảm bảo về an ninh từ Washington.

[Nhóm cố vấn Mỹ tiết lộ căn cứ tên lửa "chưa công bố" của Triều Tiên]

Báo cáo của CSIS nêu rõ: "Căn cứ dường như sẽ không là chủ đề trong đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên. Một vài ý kiến cho rằng Triều Tiên không có nghĩa vụ phải công bố các căn cứ tên lửa đang hoạt động này. Tuy nhiên, 10 nghị quyết hiện hành của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có nghị quyết mới nhất 2397, rõ ràng cấm Triều Tiên phát triển và thử tên lửa đạn đạo."

Theo báo cáo trên, đơn vị tên lửa tại căn cứ này là một phần quan trọng trong cái được cho là chiến lược tên lửa đạn đạo tấn công của Triều Tiên, cung cấp "khả năng tấn công đòn thứ nhất (bằng vũ khí hạt nhân) ở cấp độ chiến lược" chống lại các mục tiêu trên khắp Đông Á, bao gồm các căn cứ lớn của Mỹ tại Okinawa và có thể cả ở Guam.

CSIS cũng nhấn mạnh rằng, mọi thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh dẫn tới việc dỡ bỏ bệ phóng thử tên lửa duy nhất tại Dongchang-ri, điều mà Triều Tiên cũng đã cam kết thực hiện, "sẽ che đậy mối đe dọa quân sự hiện hữu đối với các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc xuất phát từ căn cứ tên lửa này cũng như các căn cứ tên lửa đạn đạo không được công bố khác"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.