Ngày 25/5, cử tri tại 21 nước châu Âu đồng loạt đi bỏ phiếu để bầu ra các đại diện của mỗi nước tại Nghị viện châu Âu (EP).
Trước đó, bảy nước châu Âu khác là Anh, Hà Lan, Cộng hòa Ireland, Latvia, Cộng hòa Czech, Slovakia và Malta đã tiến hành cuộc bầu cử này. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ chỉ được công bố khi điểm bỏ phiếu cuối cùng ở Italy đóng cửa vào lúc 23 giờ (giờ địa phương).
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2014 lần đầu tiên được điều chỉnh theo Hiệp ước Lisbon, theo đó tổng số 751 ghế nghị sỹ sẽ được phân bổ cho các nước thành viên EU dựa trên số dân mỗi nước với tối đa là 96 ghế nghị sỹ (Đức) và tối thiểu là sáu ghế nghị sỹ (Cyprus, Estonia, Luxemburg và Malta).
Điểm mới trong cuộc bầu cử EP lần thứ tám này còn là tiến trình bầu Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) khi Hội đồng châu Âu giới thiệu trên cơ sở kết quả cuộc bầu cử EP và EP sẽ biểu quyết thông qua.
Hiện hai ứng cử viên tiềm năng cho chiếc ghế Chủ tịch EC là ông Jean-Claude Juncker (Luxembourg) thuộc Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và ông Martin Schulz (Đức) thuộc đảng Xã hội châu Âu (PES).
Tổng số cử tri đủ tư cách tham gia bầu cử ở 28 nước EU là 400 triệu người. Tại Đức, hơn 64 triệu cử tri đã được kêu gọi đi bỏ phiếu để bầu ra 96 nghị sỹ từ 1.053 ứng cử viên thuộc 25 đảng.
Nhiều đảng nhỏ hy vọng có ghế trong EP do quy định hội đủ 3% số phiếu để có đại diện trong cơ quan này đã bị bãi bỏ. Như vậy, mỗi đảng của Đức chỉ cần giành 1,04% số phiếu ủng hộ là có thể có được 1/96 ghế nghị sỹ tại EP.
Theo dự đoán, tỷ lệ tham gia bầu cử lần này sẽ còn thấp hơn con số 43% của cuộc bầu cử trước đó (năm 2009). Một cuộc thăm dò dư luận cho biết, có tới 72% số người Đức được hỏi không hề quan tâm tới cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, tại nhiều nước, cuộc bầu cử EP được được xem như cuộc thăm dò của cử tri đối với chính phủ./.