Cử tri Pháp bắt đầu đi bỏ phiếu trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống

Ở vòng bỏ phiếu này, khoảng 48 triệu cử tri Pháp sẽ chọn ra hai người có số phiếu cao nhất trong số 12 ứng cử viên để tranh cử tại vòng đấu trực tiếp diễn ra sau đó hai tuần.
Cử tri Pháp bắt đầu đi bỏ phiếu trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/4, cử tri Pháp bắt đầu đi bỏ phiếu trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống nước này. Các điểm bỏ phiếu ở Pháp mở cửa từ 6h GMT ngày 10/4 (giờ địa phương, tức 13h ngày 10/4 theo giờ Hà Nội).

Trước đó, các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở ngoài khơi bờ biển Canada gồm Saint Pierre và Miquelon, các vùng lãnh thổ ở Caribe và các vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương đã đi bỏ phiếu trong ngày 9/4 do chênh lệch múi giờ.

Ở vòng bỏ phiếu này, khoảng 48 triệu cử tri Pháp sẽ chọn ra hai người có số phiếu cao nhất trong số 12 ứng cử viên để tranh cử tại vòng đấu trực tiếp diễn ra sau đó hai tuần, được dự báo là "màn tái đấu" giữa Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và đại diện phe cực hữu Marine Le Pen - đối thủ của ông Macron trong cuộc bầu cử cách đây 5 năm.

[Thăm dò bầu cử Pháp: Bà Le Pen thu hẹp khoảng cách với ông Macron]

Dù ông Macron vẫn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước bầu cử nhưng bà Le Pen đang ngày càng rút ngắn khoảng cách. Một khảo sát công bố ngày 8/4 cho thấy bà Le Pen nhận được 49% số phiếu ủng hộ, mức cao nhất từ trước tới nay.

Trả lời phỏng vấn báo giới trước khi các chiến dịch vận động tranh cử khép lại vào ngày 8/4, Tổng thống Macron cho biết Chính phủ Pháp thời gian qua đã bắt đầu triển khai các nỗ lực nhằm giải quyết tận gốc vần đề bất bình đẳng xã hội nhưng để gặt hái thành công thì còn một chặng đường dài.

Ông Macron cũng cam kết sẽ tăng cường các nỗ lực chống biến đổi khí hậu nếu tiếp tục lãnh đạo đất nước. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của bà Le Pen tập trung làm mới hình ảnh của bà và các cam kết cải thiện sức mua, giảm thuế, tăng phúc lợi xã hội.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.