Cử tri Thụy Sĩ sẽ bỏ phiếu lần nữa về vấn đề hạn chế nhập cư

Cử tri Thụy Sĩ sẽ đi bỏ phiếu một lần nữa để quyết định liệu có nên hạn chế nhập cư sau khi RASA nộp bản kiến nghị gồm 110.000 chữ ký cho chính quyền liên bang.
Cử tri Thụy Sĩ sẽ bỏ phiếu lần nữa về vấn đề hạn chế nhập cư ảnh 1Những người biểu tình phản đối việc hạn chế nhập cư tại Thụy Sĩ. (Ảnh: EPA)

Cử tri Thụy Sĩ sẽ đi bỏ phiếu một lần nữa để quyết định liệu có nên hạn chế nhập cư sau khi nhóm những người ủng hộ RASA “Raus aus der Sackgasse!” (Thoát khỏi bế tắc) nộp bản kiến nghị gồm 110.000 chữ ký cho chính quyền liên bang tại Bern ngày 27/10.

Số chữ ký thu thập được đủ để đảm bảo một cuộc bỏ phiếu mới về vấn đề nhập cư trước tháng 2/2017 - thời hạn áp dụng các biện pháp chống lại "tình trạng nhập cư hàng loạt" được đảng cánh hữu Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) hậu thuẫn.

SVP - giành được chiến thắng kỷ lục trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 18/10 - đưa ra quan điểm Thụy Sĩ cần phải hoàn toàn kiểm soát vấn đề nhập cư và Bern có thể đàm phán hiệp định mới với Brussel.

Mục đích của sáng kiến ​​mới là nhằm đảo ngược quyết định về hạn ngạch nhập cư theo kết quả cuộc bỏ phiếu hồi tháng 2/2014, theo đó có tới 50,3% cử tri Thụy Sĩ muốn hạn chế dòng người nhập cư từ châu Âu, buộc Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu (EU) phải thương lượng lại các khía cạnh quan trọng của hiệp định tự do đi lại song phương từ nay đến năm 2017.

RASA cho biết đã thu được 130.000 chữ ký chỉ trong 8 tháng. RASA được sự ủng hộ của khoảng 300 người nổi tiếng, bao gồm cả những công chức từ các lĩnh vực chính trị, công nghiệp, nghiên cứu và nghệ thuật.

Những người ủng hộ sáng kiến ​​này bao gồm cựu Tổng thống Thụy Sĩ Micheline Calmy-Rey, cựu thẩm phán liên bang Giusep Nay, nghệ sỹ Pipilotti Rist, nhà sử học Georg Kreis, nghiên cứu y khoa Brigitte von Rechenberg, chuyên gia dân chủ Andreas Auer, giáo sư luật Thomas Geiser và tỷ phú Hansjörg Wyss - người đã đóng góp 150.000 franc cho RASA.

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Thụy Sĩ (KOF) có trụ sở tại Zurich, việc hủy bỏ hiệp định song phương với EU và áp dụng giới hạn về xuất nhập cảnh sẽ gây tổn hại cho doanh nghiệp Thụy Sĩ và khiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nước này giảm 0,2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.