Cơ hội kinh doanh và đầu tư vào Cuba cho công dân nước này định cư ở hải ngoại là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt tại Diễn đàn Doanh nghiệp Cuba 2021 lần thứ II (II FECuba 2021), đang diễn ra theo hình thức trực tuyến tại thủ đô La Habana.
Diễn đàn năm nay chú trọng đến việc khơi thông dòng vốn từ kiều bào, góp phần thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế Cuba, mở ra không gian mới cho công dân muốn tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời thắt chặt mối liên hệ giữa kiều bào và Tổ quốc, thông qua các khoản đầu tư, dự án kinh doanh, hợp tác và phát triển phù hợp với các quy định hiện hành của quốc gia Caribe này.
Tầm quan trọng của việc các doanh nhân Cuba sinh sống ở nước ngoài tham gia vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của quê hương đã được khẳng định trong nhiều năm nhưng tới nay mới có một diễn đàn mở ra không gian thảo luận về những cơ hội này.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Cuba 2021, diễn ra từ ngày 29/11 tới ngày 2/12, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận 60 dự án với khoản đầu tư dưới 500.000 USD và được chính quyền địa phương bảo trợ.
[Kinh tế Cuba và những nghịch lý về việc ngừng tiếp nhận đồng USD]
Công dân Cuba định cư ở nước ngoài cũng có thể gửi đề xuất kinh doanh tới Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài để được xem xét.
Luật 188 của Cuba về Đầu tư nước ngoài bao gồm nhiều điều khoản bảo vệ nhà đầu tư kiều bào, theo đó, nước này không đặt ra bất kỳ biện pháp hoặc cấm đoán nào đối với sự hiện diện của công dân định cư tại nước ngoài trong hoạt động kinh tế quốc gia, theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Được coi là “tác nhân kinh tế mới của Cuba,” công dân Cuba cư trú tại quốc gia khác sẽ có thể tương tác trong các thương vụ diễn ra tại đảo quốc này, bao gồm các hình thức quản lý phi nhà nước như khu vực kinh tế tư nhân và hợp tác.
Đây là một trong những thay đổi cơ bản của Danh mục Cơ hội Đầu tư, trong đó tập trung vào việc liên kết vốn nước ngoài với các hình thức quản lý phi nhà nước và sẽ cho phép các thành phần kinh tế mới của Cuba (công dân Cuba định cư ở hải ngoại) liên kết với vốn nước ngoài.
Bà Ana Teresita González, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba, khẳng định các dự án đầu tư nước ngoài nằm trong danh mục nói trên có thể được thực hiện theo phương thức công ty có vốn hoàn toàn nước ngoài, tập đoàn kinh tế quốc tế và doanh nghiệp hỗn hợp.
Danh mục Cơ hội Đầu tư vừa cập nhật bao gồm 678 dự án với tổng giá trị hơn 12 tỷ USD cùng nhiều ưu đãi, đặc biệt trong các lĩnh vực như du lịch, dược phẩm, lương thực-thực phẩm và năng lượng tái tạo.
Một điểm mới đáng chú ý khác của Diễn đàn Doanh nghiệp Cuba 2021, với sự tham gia của nhà đầu tư tới từ 86 quốc gia, là hội chợ trên không gian ảo thay thế cho Hội chợ Quốc Tế La Habana (FIHAV), vốn bị đình chỉ từ năm 2020 do đại dịch. Khoảng 600 công ty từ 46 quốc gia đã giới thiệu sản phẩm của mình tại sự kiện này.
Thu hút đầu tư nước ngoài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Cuba, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng mà nguyên nhân là các lệnh cấm vận gắt gao do Mỹ áp đặt, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn cầu, cùng nhiều yếu tố khác.
Theo ước tính chính thức, Cuba cần hơn 2 tỷ USD mỗi năm từ các khoản đầu tư nước ngoài để có thể thúc đẩy sản xuất, tạo ra nguồn hàng xuất khẩu và thay thế các nguồn nhập khẩu, từ đó duy trì nền kinh tế.
Tuy nhiên, năm 2020, quốc gia Caribe này chỉ thu hút được 1,895 triệu USD từ 29 dự án trong các lĩnh vực du lịch, xây dựng, khai khoáng và công nghiệp.
Hiện nay, tại Cuba có 280 công ty từ khoảng 40 quốc gia hoạt động, bao gồm cả Tây Ban Nha, Canada và Trung Quốc./.