Cuba và Mỹ hợp tác trồng cấy san hô dưới đáy đại dương

Sau nhiều tháng thiết kế và chuẩn bị kết hợp với 6 ngày làm việc tại thực địa, các nhà khoa học và thợ lặn đã hoàn thành việc lắp đặt dưới đáy biển 20 dàn đỡ có khả năng đỡ 60 nhánh san hô sừng hươu.
Cuba và Mỹ hợp tác trồng cấy san hô dưới đáy đại dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Coral Reef Alliance)

Ngày 4/4, Công viên nước bang Florida (Mỹ) thông báo vừa hoàn thành giai đoạn 1 của dự án hợp tác trồng cấy san hô với đối tác Cuba tại vùng biển thuộc Vườn quốc gia Guanahacabibes tại cực Tây của đảo quốc Caribe.

Sau nhiều tháng thiết kế và chuẩn bị kết hợp với 6 ngày làm việc tại thực địa, các nhà khoa học và thợ lặn của 2 công viên nước đã hoàn thành việc lắp đặt dưới đáy biển 20 dàn đỡ, với chiều dài 4,5m có khả năng đỡ 60 nhánh san hô sừng hươu. Thiết kế này có thể giữ các nhánh san hô được trồng cấy dưới đáy đại dương và tránh xa những kẻ thù tự nhiên.

Trên trang mạng chính thức của Công viên nước Florida, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn của công viên này Scott Graves khẳng định giai đoạn 1 của dự này là một thành công lớn, đồng thời đánh giá cao các đồng nghiệp phía Cuba cả về kỹ năng lặn, kiến thức sinh vật học và tinh thần làm việc.

Công viên nước Florida cho biết đã tiến hành nghiên cứu về quá trình sinh sản của san hô sừng hươu nhằm đóng góp vào quá trình tái tạo và kích thích tăng trưởng nhanh các rạn san hô.

Hiện tại cơ sở khoa học này đang trong giai đoạn xây dựng các “nhà kính san hô” trên cạn để bảo tồn các mẫu gene san hô đặc chủng và tiến hành thí nghiệm với các mẫu vật san hô sống. Công viên nước Florida cho biết một trong những mục tiêu của dự án là xây dựng các “nhà kính san hô” tương tự tại Cuba.

Công viên nước Florida và Công viên nước Cuba ký thỏa thuận hợp tác về bảo tồn san hô vào tháng 8/2015, ngay sau khi hai nước hoàn tất quá trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong thông cáo chính thức khi đó, Chủ tịch Công viên nước Florida Thom Stork từng nhận định dù chỉ cách Cồn Xương (điểm cực nam của Mỹ) khoảng 145km và đặc điểm khí hậu tương đồng, nhưng các rạn san hô của Cuba có điều kiện sống tốt hơn so với các rạn san hô trong vùng biển của Mỹ và có khả năng cung cấp nguồn tư liệu phong phú cho công tác nghiên cứu khoa học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục