Cục chăn nuôi: "Việt Nam thừa nông sản 'bẩn', thiếu nông sản sạch"

An toàn thực phẩm là nguy cơ lớn của ngành chăn nuôi. Hiện nay, Việt Nam thừa nông sản mất vệ sinh nhưng lại thiếu nông sản sạch nói chung và đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi.
Cán bộ thú y kiểm tra chất lượng thịt tại chợ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

"Tồn tại lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay đó chính là vấn đề an toàn thực phẩm. Hiện nay, chúng ta thừa nông sản mất vệ sinh nhưng chúng ta thiếu nông sản sạch nói chung, đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi."

Đó là nhấn mạnh của Phó Cục trưởng Cục Chăn Nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Xuân Dương tại buổi Họp báo báo giới thiệu Triển lãm Quốc tế VIETSTOCK 2016 do Cục Chăn Nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp cùng Công ty UBM Asia tổ chức sáng nay (9/8), tại Hà Nội.

Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương cũng cho rằng, hiện người tiêu dùng chưa thực sự an tâm về độ an toàn của các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Điều này đang đặt ra những yêu cầu cấp bách trong công tác quản lý.

"Nếu chúng ta không có sản phẩm chăn nuôi sạch và an toàn thì nguy cơ sẽ khó cạnh tranh để xuất khẩu, thậm chí mất đi thị trường trong nước. Đặc biệt trong quá trình hội nhập, nếu sản phẩm vẫn còn chất cấm, kháng sinh thì chúng ta rất khó cạnh tranh và nguy cơ 'thua trên sân nhà' là rất lớn," ông Nguyễn Xuân Phương nói.

Mặc dù vậy, ghi nhận những kết quả đạt được Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương cũng cho hay, cùng với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp, lĩnh vực chăn nuôi thời gian qua cũng đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Vấn đề quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi bước đầu đạt được kết quả quan trọng trong công tác kiểm soát chất cấm trong thức ăn chăn nuôi.

Cụ thể, qua kiểm tra năm 2015, phát hiện có 2,5% mẫu thức ăn trong các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và 3,5% mẫu thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi có chất cấm. Song đến nay, qua kiểm tra không còn phát hiện mẫu thức ăn chăn nuôi nào có chứa chất cấm.

Đối với mẫu nước tiểu lợn tại các trang trại chăn nuôi và lò mổ: năm 2015 phát hiện 16,7% mẫu có dương tính với chất cấm; đến tháng 5/2016 còn 2,2% mẫu dương tính với chất cấm. Riêng đến tháng 6-7/2016 không còn phát hiện mẫu nước tiểu lợn dương tính với chất cấm.

So với cùng kỳ năm 2015, trong 6 tháng đầu năm 2016 tổng sản lượng thịt của cả nước đạt gần 3,65 triệu tấn (tăng 5,3%), tổng sản lượng sữa tươi là 492.700 tấn (tăng 9%), sản lượng trứng các loại đạt 6,62 tỷ quả (tăng 5,5%).

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi ngày càng tăng cao, nhiều công ty, tập đoàn lớn đã đầu tư mạnh mẽ như Hoàng Anh Gia Lai đầu tư 10.000 tỷ đồng, TH đầu tư 1 tỷ USD, Bình Hà đầu tư 10.000 tỷ đồng, DABACO đầu tư 4.000 tỷ đồng... Tổ chức sản xuất chăn nuôi được triển khai có nhiều tín hiệu tích cực và đã hình thành nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến thị trường.

Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương cũng thừa nhận rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như: dịch bệnh diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại; năng suất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng; việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với chất cấm, tồn dư kháng sinh gặp nhiều khó khăn.

"Do đó, trong thời gian tới, các đơn vị cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ công tác thanh kiểm tra để phát hiện xử lý các cơ sở vi phạm đồng thời hướng dẫn cho người chăn nuôi phát triển các mô hình chăn nuôi theo chuỗi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cục Chăn nuôi cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới sau vấn đề chất cấm thì sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát chất kháng sinh và đảm bảo an toàn vệ sinh trong khâu giết mổ," Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục