Theo trang mạng aljazeera.com, trận chiến giành Marib - thành phố sa mạc cổ kính ở Yemen bị chiến tranh tàn phá - đã trở thành chìa khóa để giúp hình dung những căng thẳng đang lan rộng khắp khu vực Trung Đông và những thách thức mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt trong việc rút quân đội Mỹ khỏi khu vực.
Giao tranh đã diễn ra dữ dội ở các vùng núi bên ngoài Marib khi phiến quân Houthi có liên kết với Iran - lực lượng đang chiếm giữ thủ đô Sanaa của Yemen - cố đánh chiếm thành phố vốn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho cả nước.
Saudi Arabia, dẫn đầu liên minh quân sự Arab kể từ năm 2015 ủng hộ chính phủ lưu vong Sanaa, đã liên tục tiến hành các cuộc không kích nhằm ngăn cản bước tiến của Houthi vào thành phố Marib. Phiến quân Houthi đã trả đũa bằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào sâu bên trong lãnh thổ Saudi Arabia, làm chao đảo thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Nhiều khả năng, trận chiến giành Marib sẽ xác định những nét chính trong mọi giải pháp chính trị của cuộc nội chiến thứ hai ở Yemen. Nếu Houthi chiếm được Marib, lực lượng phiến quân này có thể tạo được lợi thế trong các cuộc đàm phán và thậm chí tiếp tục tiến xa hơn về phía Nam. Ngược lại, chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen có thể sẽ cứu được thành trì duy nhất của họ trong lúc những phần tử ly khai thách thức quyền lực của họ ở nơi khác.
Trận chiến cũng gây áp lực đối với đồng minh Arab mạnh nhất của Mỹ ở Vùng Vịnh và ảnh hưởng đến kế hoạch của Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Nó thậm chí còn làm phức tạp thêm những nỗ lực của chính quyền Biden trong việc cắt giảm lực lượng và tiến tới rút quân khỏi Trung Đông để thay vào đó, tập trung lực lượng chống lại những gì mà họ coi là mối đe dọa đang nổi lên từ Trung Quốc và Nga.
Abdulghani al-Iryani, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Sanaa, cho rằng mất Marib sẽ là “đòn chí tử đối với chính phủ được quốc tế công nhận.”
“Không có quân bài nào để đàm phán”
Theo Cơ quan tị nạn của Liên hiệp quốc, Marib, cách thủ đô Sanaa của Yemen 120km về phía Đông, hiện là nơi lánh nạn của hơn 800.000 người phải chạy trốn khỏi Houthi,. Các cuộc giao tranh làm gián đoạn khả năng tiếp cận điện, nước, thực phẩm và giáo dục cho con cái của họ.
[Yemen: Giao tranh tiếp diễn tại Marib làm 70 người thiệt mạng]
Mohsen Nasser al-Mouradi, một nhà hoạt động chính trị sống gần thành phố cho biết: “Đây từng là một nơi hiếm hoi ở Yemen khá an toàn và ổn định. Nhưng giờ đây, chúng tôi nghe thấy âm thanh của vũ khí hạng nặng cả ngày. Chúng tôi liên tục bị bao vây.”
Ahmed Nagi, chuyên gia về Yemen tại Trung tâm Carnegie Trung Đông, cho biết từ năm 2019, Saudi Arabia đã thể hiện sự bất đồng với lực lượng Houthi.
Chuyên gia này dẫn lời 2 quan chức Houthi thạo tin với các cuộc đàm phán cho biết theo một thỏa thuận bí mật, Saudi Arabia và phiến quân kiềm chế, không tấn công các khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, khi lực lượng Houthi bắt đầu tiếp tục tiến về Marib, Saudi Arabia lại tiếp tục chiến dịch ném bom hạng nặng.
Chuyên gia Nagi nhận định: “Đối với Houthi, họ nghĩ rằng họ sẽ giành thắng lợi bằng chiến tranh hơn là thông qua đàm phán hòa bình. Còn đối với Saudi Arabia, quốc gia Arab ngày càng phát đi tín hiệu cho thấy họ muốn chấm dứt xung đột, nếu để mất Marib, họ sẽ không có quân bài nào trên bàn đàm phán.”
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ các hoạt động tấn công chiến đấu của Saudi Arabia ở Yemen, nhấn mạnh rằng “cuộc chiến này phải kết thúc.” Ông cũng loại Houthi khỏi danh sách “các tổ chức khủng bố nước ngoài.”
Nhưng cuộc chiến xung quanh Marib chỉ ngày càng leo thang. Aniseh Bassiri Tabrizi, chuyên gia nghiên cứu về Iran tại Viện Hoàng gia Anh, nhận định sự thất vọng của Iran trước việc chính quyền Biden không nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã góp phần làm “gia tăng các cuộc tấn công của các nhóm ở Iraq và tương tự là ở Yemen.” Theo Tabrizi, “Iran đang cố gắng bắn đi thông điệp cho Mỹ rằng hiện trạng sẽ không kéo dài.”
Houthi “hiểu sai” động thái của chính quyền Tổng thống Biden
Trong lúc các chuyên gia tranh luận về mức độ kiểm soát của Iran đối với Houthi, lực lượng phiến quân ngày càng gia tăng các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào sâu bên trong Saudi Arabia.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Saudi Arabia nhấn mạnh: “Việc chính quyền Mỹ loại Houthi khỏi danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài dường như đã bị phía Houthi hiểu sai, từ đó khiến họ, với sự hỗ trợ của chế độ Iran, đã gia tăng các hành động thù địch.”
Trong khi đó, Riyadh cũng nhiều lần bị quốc tế chỉ trích vì các vụ không kích giết hại dân thường và các lệnh cấm vận làm trầm trọng thêm nạn đói ở Yemen.
Những nỗ lực của ông Biden nhằm chấm dứt sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến ở Yemen diễn ra trong lúc Washington muốn ký lại thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc trên thế giới. Các cuộc đàm phán gián tiếp đã bắt đầu từ hôm 6/4 vừa qua tại Vienna, Áo.
Al-Iryani, nhà nghiên cứu của Trung tâm Sanaa cho rằng “Iran muốn đổi quân bài Yemen của họ để lấy thứ gì đó lâu dài hơn.” Một thỏa thuận như vậy có thể phù hợp với lợi ích của Mỹ. Lầu Năm Góc đang xem xét lại các hoạt động triển khai quân của Mỹ, đặc biệt là ở Trung Đông, trong bối cảnh nước Mỹ đang đối mặt với cuộc “cạnh tranh giữa các cường quốc,” cụ thể là với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, những động thái như vậy nói dễ hơn làm.
Quân đội Mỹ vẫn đang đóng ở Afghanistan, Iraq và Syria. Trong khi đó, các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia dựa vào lực lượng Mỹ đóng tại đất nước họ để làm đối trọng với Iran.
Aaron Stein, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Philadelphia (Mỹ), nhận định: “Nhìn chung, các lực lượng Mỹ sẽ vẫn ở lại Trung Đông, khu vực vẫn rất quan trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu và là nơi có 3 nút giao thắt chính trên biển đối với hoạt động thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, các lực lượng này sẽ thay đổi như thế nào khi Mỹ xem xét cách tiếp cận Trung Quốc và Nga, trong khi cố gắng tạo đối trọng với Iran thông qua việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, theo Stein, điều đó cũng không giúp giải quyết được vấn đề Iran./.