Bất chấp lạm phát gia tăng, tốc độ phục hồi việc làm còn chậm được cho là lý do khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ vững lập trường chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào tuần tới.
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu rằng Fed sẽ duy trì chương trình mua trái phiếu khổng lồ và lãi suất thấp cho đến khi các số liệu phản ánh sự cải thiện dài hạn trên thị trường lao động.
Tuy nhiên, tình trạng lạm phát gia tăng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gia tăng áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách cân nhắc việc thu hẹp dần chương trình kích thích kinh tế.
Mọi sự chú ý đang tập trung vào cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed tổ chức vào tuần tới.
Nhà kinh tế Joel Naroff nhận định, việc nhanh chóng mở cửa nền kinh tế có hai tác động, một mặt là tốc độ tăng trưởng tăng vọt, nhưng mặt khác là lạm phát cũng gia tăng và các vấn đề liên quan đến lao động đang gây áp lực cho doanh nghiệp.
[Giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 5% trong vòng 12 tháng qua]
Trong bối cảnh chính phủ triển khai tiêm chủng trong những tháng gần đây cùng với các chương trình kích thích kinh tế lớn, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng COVID-19 khi các doanh nghiệp nhanh chóng mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, con đường phục hồi còn nhiều gập ghềnh và các nước khác không bắt kịp. Điều đó dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung và nhân công.
Tình trạng này khiến giá cả tăng vọt, với chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5/2021 đạt mức cao nhất trong 13 năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù các quan chức Fed nhấn mạnh lạm phát gia tăng chủ yếu là do các vấn đề mang tính tạm thời, ngày càng nhiều nhà quan sát lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng nhanh chóng và cho rằng Fed cần bắt đầu quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Omari Swinton, Trưởng khoa kinh tế Đại học Howard, chỉ ra rằng các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động khi họ mở cửa trở lại. Lạm phát và tiền lương là những mối lo chính đáng.
Vấn đề "mang tính hệ thống" của tình trạng thiếu hụt lao động là mục tiêu quan trọng trong các cuộc họp về chính sách của Fed, nhất là khi nguồn cung lao động có thể bị thu hẹp vĩnh viễn sau đại dịch. Do đó, so với nguy cơ lạm phát, Fed ưu tiên vấn đề việc làm hơn.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống 5,8% vào tháng Năm. Hơn 7 triệu việc làm bị mất trong giai đoạn đại dịch vẫn chưa được khôi phục.
Chuyên gia Kathy Bostjancic của Oxford Economics nhận xét, thị trường lao động đã phục hồi vững kể từ cuối năm ngoái, nhưng vẫn chưa bao trùm trên diện rộng.
Ngay cả khi chính sách của Fed vẫn được giữ nguyên trong cuộc họp tới, ông Powell có thể sẽ lên tiếng “trấn an” rằng ngân hàng trung ương sẽ lưu ý vấn đề lạm phát. Người đứng đầu Fed cũng có thể báo hiệu rằng các nhà hoạch định chính sách đang bàn về thời điểm thích hợp để bắt đầu giảm chương trình mua tài sản./.