Điều gì khiến đàm phán thương mại Mỹ-Trung khó tạo bước đột phá?

Vấn đề thương mại Mỹ-Trung sẽ khó tạo ra đột phá lớn trong thời gian ngắn và trong tương lai có thể sẽ tiếp tục có những cuộc thảo luận hạn chế xoay quanh việc phối hợp triển khai giai đoạn đầu.
Điều gì khiến đàm phán thương mại Mỹ-Trung khó tạo bước đột phá? ảnh 1Quang cảnh cảng hàng hóa ở Khâm Châu, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 14/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với nhan đề “Cục diện lớn không thay đổi, đàm phán thương mại Mỹ-Trung khó đạt đột phá," bài viết trên trang HK01 của Hong Kong cho biết ngày 2/6, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu của phía Trung Quốc về Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ-Trung, đã có cuộc trao đổi trực tuyến với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen để bàn về vấn đề thương mại Mỹ-Trung.

Trước đó ngày 27/5, ông Lưu Hạc và bà Katherine Tai, Đại diện Thương mại Mỹ, cũng đã tiến hành trao đổi về vấn đề này. Kể từ khi ký kết Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Trung Quốc và Mỹ, vấn đề căng thẳng thương mại đã lắng dịu trong một thời gian, hai cuộc tiếp xúc này đánh dấu việc nối lại đối thoại giữa hai bên kể từ khi chính quyền ông Joe Biden lên nắm quyền.

Tuy nhiên, xét tình hình hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, vấn đề thương mại sẽ khó tạo ra đột phá lớn trong thời gian ngắn và trong tương lai có thể sẽ tiếp tục có những cuộc thảo luận hạn chế xoay quanh việc phối hợp triển khai giai đoạn đầu.

Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, vấn đề thương mại có thời điểm đã trở thành “chiến trường” lớn nhất giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, việc hai bên đi đến giai đoạn đầu của thỏa thuận vốn đã trở thành tâm điểm của thời sự quốc tế. Dù vậy, cùng với căng thẳng toàn diện Mỹ-Trung leo thang, phạm vi cạnh tranh giữa hai nước đã mở rộng. Điều này khiến thương mại không còn là vấn đề duy nhất và cũng dần trở nên không quá quan trọng.

Vì vậy, cuộc trao đổi lần này giữa ông Lưu Hạc với bà Yellen và bà Katherine Tai cũng không tạo được nhiều sự chú ý. Từ văn bản do phía Trung Quốc cung cấp cho báo chí cho thấy, hai bên lại vẫn giữ giọng điệu cũ khi cho rằng thương mại Mỹ-Trung là rất quan trọng và hai bên cần trao đổi với nhau một cách tôn trọng. Ở một mức độ nào đó, xét về “quân bài” mà Trung Quốc và Mỹ có thể đưa ra, không gian đàm phán và sự nhiệt tình của hai bên đối với vấn đề thương mại đều không cao.

Nền kinh tế Mỹ khó có thể chịu đựng một cuộc chiến thương mại leo thang. Cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động, nên thế trận và sự chủ động luôn thuộc về Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Tuy nhiên, thời điểm này Washington đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về vấn đề thương mại.

Nếu muốn tiếp tục cuộc chiến và gia tăng sức ép với Trung Quốc, phát động giai đoạn hai của cuộc chiến, e rằng hiện tại phía Mỹ sẽ lực bất tòng tâm. Sau khi ông Biden nhậm chức, Đại diện thương mại Katherine Tai từng phàn nàn rằng Trung Quốc đã không thực hiện đầy đủ các nội dung của thỏa thuận giai đoạn đầu. Nếu Mỹ muốn lợi dụng điều này để trở lại cuộc chiến, thì đó chính là cái cớ hợp lý.

Tuy nhiên, hiện tại Mỹ đang không đủ nguồn lực để tiếp tục cuộc chiến thương mại. Trước đây, khi ông Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc hồi năm 2018, ông giải thích rằng nền kinh tế Mỹ thời điểm đó là rất mạnh và có thể chịu được tác động kinh tế từ cuộc chiến thương mại.

Dù vậy, hiện nay kinh tế Mỹ vừa mới phục hồi sau đại dịch, kinh tế trong nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng thất nghiệp chưa khôi phục hoàn toàn, việc phát hành quá mức nợ công đang đối mặt với sự dao động về niềm tin vào đồng USD cùng nguy cơ lạm phát gia tăng đang cận kề.

[Quan hệ 'lạnh về chính trị, nóng về kinh tế' giữa Mỹ và Trung Quốc]

Vào thời điểm này, e rằng Mỹ khó có thể sử dụng bất kỳ thủ đoạn cứng rắn nào chống lại Trung Quốc, ví dụ như thuế quan bổ sung, hoặc việc tăng cường trừng phạt thương mại sẽ khiến Trung Quốc phản công, khiến Mỹ nhanh chóng rơi vào nguy cơ kinh tế và áp lực chính trị khiến họ có muốn cứng rắn cũng không được mà mềm dẻo cũng chẳng xong.

Về vấn đề thương mại, Trung Quốc đã sớm thể hiện “con át chủ bài” của mình. Điểm mấu chốt cho giai đoạn thảo luận tiếp theo là xóa bỏ mọi thuế quan và tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, đây là điều kiện không thể chấp nhận được trong đối với Mỹ trong tình hình chính trị hiện nay. Trước khi đắc cử, ông Biden chỉ trích Tổng thống Trump vì đã phát động cuộc chiến thương mại, tăng thuế quan và từng nói rằng sẽ hủy bỏ thuế quan nếu đắc cử.

Tuy nhiên, do nền chính trị của Mỹ chuyển sang cứng rắn với Trung Quốc nên việc dỡ bỏ thuế quan đồng nghĩa với thừa nhận thất bại, đó là một dấu hiệu của sự yếu kém, có thể sẽ bị đảng Cộng hòa chỉ trích là “lấy lòng Trung Quốc." Vì vậy, ông Biden sau đó đã tuyên bố lại rằng thuế quan sẽ được giữ nguyên và cho rằng sau khi xem xét toàn diện thương mại Mỹ-Trung, ông mới chuyển sang giai đoạn đàm phán tiếp theo.

Từ cuộc bầu cử năm 2020 đến nay, mức độ căng thẳng của đấu tranh Mỹ-Trung chỉ tăng mà không suy giảm. Hiện tại, chính quyền ông Biden càng không thể vượt qua áp lực chính trị trong nước để dỡ bỏ thuế quan. Do một bên kiên quyết dỡ bỏ, một bên thì nhiều khả năng không thể dỡ bỏ, điều kiện hai bên có thể đưa ra lúc này không phù hợp với nhau, nên đàm phán cũng khó đạt được kết quả cụ thể.

Nếu như hai bên đã khó đạt được tiến triển, thì thời gian tới Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể tiếp tục mặc cả với nhau về việc phối hợp thực hiện những điều khoản trong giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại được ký kết dưới thời Tổng thống Trump và chỉ đến khi cục diện lớn có sự thay đổi thì mới có thể khắc phục được tình trạng khó khăn hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.