Cuộc biểu tình chống chính phủ Italy tiếp tục lan rộng

Hàng nghìn người biểu tình là lái xe tải đã chặn đứng con đường cao tốc nối với Pháp để phản đối việc chính phủ không giữ lời hứa giảm thuế.

Các cuộc biểu tình chống chính sách kinh tế của chính phủ Italy tiếp tục lan rộng và có nhiều nguy cơ bùng phát thành bạo lực ở nhiều thành phố lớn trong nước này.

Được các nghiệp đoàn lái xe tải hạng nặng khởi xướng từ cuối tuần trước, các cuộc biểu tình đã qua ngày thứ tư của phong trào xuống đường trên toàn quốc Italy và được dự báo sẽ còn căng thẳng hơn trong những ngày tới.

Những người biểu tình ban đầu là lái xe sau đó được sự ủng hộ của những người buôn bán nhỏ, sinh viên, cổ động viên bóng đá quá khích và cả các chính trị gia lợi dụng tình hình đã chặn nhiều tuyến đường cao tốc, chiếm các quảng trường và nhà ga đường sắt, làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người Italy trong những ngày trước Giáng sinh này.

Họ chỉ trích chính phủ thiếu khả năng điều tiết nền kinh tế trong suy thoái, phản đối dự luật ngân sách 2014 theo hướng "thắt lưng buộc bụng" khiến ngân sách cho giáo dục, y tế và nhiều ngành khác bị cắt giảm và không tạo thêm việc làm cho người lao động.

Từ đầu tuần cho đến hôm nay, cảnh sát chống bạo động đã đụng độ với người biểu tình chống chính phủ ở nhiều thành phố lớn như Milan, Turin, Genoa và Rome. Hôm 12/12, hàng nghìn người biểu tình là lái xe tải đã chặn đứng con đường cao tốc chạy qua miền Tây Bắc Italy sang Pháp để phản đối việc chính phủ không giữ lời hứa giảm thuế.

Tại thủ đô Rome, hàng trăm sinh viên đã biểu tình và tấn công cảnh sát trước Đại học Sapienza lớn nhất nước nhằm phản đối việc cắt giảm ngân sách cho các trường đại học.

Trong khi đó, ở Milan, người biểu tình đã chiếm giữ quảng trường Loreto ngày thứ ba liên tiếp, nơi xác của trùm phát xít Benito Mussolini bị du kích treo lên vào năm 1945. Một số lãnh tụ của các đảng đối lập cũng đã xuống đường kêu gọi người biểu tình và cả cảnh sát không ủng hộ chính phủ. Cảnh sát đã bắt giữ nhiều phần tử quá khích tại nhiều nơi. Các cuộc biểu tình có tổ chức dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tuần này.

Chính phủ Italy tuyên bố sẽ không nhân nhượng bất cứ người nào biến biểu tình thành bạo lực. Tuy nhiên, các giới chức nước này đã bày tỏ sự lo ngại về việc biểu tình lan rộng có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân và nguy cơ bạo lực có thể xảy ra ở thủ đô.

Hôm 11/12, những người lãnh đạo của cuộc biểu tình đã tuyên bố sẽ tổ chức những cuộc tuần hành với quy mô lớn hơn ở thủ đô Rome nếu như chính phủ sụp đổ trong trường hợp không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nhằm xác định lại phe đa số. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta đã vượt qua cuộc bỏ phiếu này ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện.

Thủ tướng Letta đã tuyên bố rằng, chính phủ của ông sẽ tiếp tục tiến về phía trước và kiên định với những kế hoạch của mình. Kể từ hai tháng qua, chính phủ Italy đã phải trải qua ba cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khác nhau và luôn đứng trước nguy cơ bất ổn.

Italy đang trải qua cuộc suy thoái kinh tế dài nhất và nghiêm trọng nhất kể từ hai thập kỷ qua, buộc chính phủ phải tiến hành nhiều biện pháp nhằm cứu vãn nền kinh tế.

Trong chương trình làm việc dự kiến cho năm 2014, Thủ tướng Letta hứa sẽ thúc đẩy việc thông qua luật bầu cử mới, cố gắng đưa nền kinh tế phục hồi nhằm tăng trưởng GDP đạt 2% vào năm 2015, giảm chi phí lao động và cắt giảm nợ ngân sách đã lên tới hơn 130% GDP, khiến mỗi năm Italy phải trả 90 tỷ euro tiền nợ đến hạn.

Các nhà bình luận cho rằng, 2014 cũng sẽ không phải là một năm dễ dàng cho Italy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.