Cuộc chạy đua nước rút giữa hai phe ủng hộ và phản đối Brexit

Chỉ còn ba ngày nữa người dân Anh sẽ bỏ phiếu quyết định ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) và ngay tại thời điểm này, hai phe ủng hộ và phản đối Brexit đã đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục.
Cuộc chạy đua nước rút giữa hai phe ủng hộ và phản đối Brexit ảnh 1Logo kêu gọi cử tri bỏ phiếu ở lại EU tại khu vực ngoại ô Newry, Bắc Ireland ngày 7/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chỉ còn ba ngày nữa người dân Anh sẽ bỏ phiếu quyết định ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) và ngay tại thời điểm này, phe ủng hộ cũng như phe phản đối đều đang tích cực thuyết phục các cử tri còn do dự bằng cách bảo vệ các quan điểm của mình, tập trung vào bốn chủ đề lớn, gồm người di cư, kinh tế, chủ quyền và các quy định luật pháp.

Liên quan vấn đề đầu tiên, phe ủng hộ Brexit (Anh rời EU) cho rằng nếu kịch bản này xảy ra, Anh sẽ có thể hạn chế lượng người di cư đến từ EU.

Những người mong muốn Anh rời khỏi “mái nhà chung” cũng đặc biệt lo ngại làn sóng nhập cư ồ ạt sẽ tạo áp lực đối với các dịch vụ công như trường học, bệnh viện, hay đối với vấn đề nhà ở và hệ thống an sinh xã hội. Lượng di cư "ròng" tới Anh trong năm 2015 đã lên tới mức 333.000 người.

Trong khi đó, phe ủng hộ Anh ở lại EU lập luận rằng người di cư tới EU đóng thuế cho nền kinh tế nhiều hơn là việc trở thành “gánh nặng.”

Đa phần đều trẻ tuổi, nên họ thường không tạo một áp lực quá lớn đối với các dịch vụ công.

Theo kết quả nghiên cứu do Đại học London tiến hành năm 2013, khoản đóng góp của người di cư tới EU cho nền kinh tế của liên minh này nhiều hơn 34% so với số tiền mà họ nhận được.

Thêm vào đó, Thủ tướng Anh David Cameron còn cam kết nếu Anh tiếp tục ở lại EU, nước này sẽ siết chặt chính sách hỗ trợ việc làm cho những người mới nhập cư vào EU trong bốn năm đầu tiên.

Về vấn đề kinh tế, phe ủng hộ Brexit cho rằng rời khỏi EU đồng nghĩa với việc Anh sẽ không còn phải thực hiện các nghĩa vụ đóng góp ngân sách cho liên minh này với số tiền khoảng 8,5 tỷ bảng Anh (10,77 tỷ euro) như năm ngoái.

London vừa có thể tìm kiếm mối quan hệ hợp tác thương mại với EU, vừa có thể ký các thỏa thuận thương mại có tính đột phá với các thị trường đang phát triển như Trung Quốc hay Ấn Độ.

Tuy nhiên, các ý kiến phản đối Brexit cho rằng nếu Anh tiếp tục ở lại “ngôi nhà chung,” nền kinh tế của nước này sẽ mạnh hơn, từ đó tạo thêm nhiều việc làm, cũng như thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Hiện khoảng 45% các đơn hàng xuất khẩu của Anh có mặt tại thị trường EU, trong khi 3 triệu việc làm ở nước này có liên quan các hoạt động thương mại của liên minh 28 nước thành viên.

Về vấn đề chủ quyền quốc gia, phe ủng hộ Brexit cho rằng nếu kịch bản này xảy ra, Anh sẽ không còn phải tuân thủ các quy định nội khối do Tòa án Công lý châu Âu đặt ra, trong khi các quốc gia khác cũng sẽ không bắt buộc phải thông qua các quy định phản đối những nguyện vọng của London.

Tuy nhiên, phe phản đối cho rằng việc rời EU sẽ làm suy giảm vị thế của Anh trên toàn thế giới và có thể làm gia tăng khả năng Scotland đòi tách ra độc lập.

Trong khi đó, Thủ tướng Cameron cam kết nếu quyết định ở lại EU, London sẽ không bị bó buộc bởi đường hướng phát triển của EU vì một liên minh gắn kết hơn.

Cuối cùng, liên quan vấn đề quy định luật pháp, phe ủng hộ Brexit cho rằng EU áp đặt quá nhiều thủ tục đối với hoạt động kinh doanh của Anh.

Việc có tới 100 quy định liên quan hoạt động này đã khiến nền kinh tế Anh thất thu khoảng 33 tỷ bảng mỗi năm.

Nếu rời EU, các doanh nghiệp Anh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, trút bỏ bớt được gánh nặng thủ tục sẽ có quyền tự quyết lớn hơn đối với các hoạt động của họ.

Trong khi đó, các ý kiến ủng hộ Anh ở lại EU cho rằng kịch bản Brexit, nếu xảy ra, sẽ kéo theo một hệ quả tiêu cực đối với các doanh nghiệp, do các thị trường sẽ bị biến động mạnh và có thể phải mất nhiều năm để đàm phán, cũng như ký kết được các thỏa thuận với EU.

Ngoài ra, London vẫn sẽ phải tuân thủ các quy định của một thị trường đơn lập nếu muốn tiếp tục ở lại Khu vực thương mại tự do Kinh tế châu Âu (EEA), cũng như phải tuân thủ các tiêu chuẩn của EU nếu muốn trao đổi hàng hóa sang thị trường này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.