Cuộc gặp ba bên Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ định hình tương lai Syria

Cuộc gặp thượng đỉnh ba bên diễn ra khi diễn biến tình hình thực địa tại Syria đang thay đổi nhanh chóng, trong khi vai trò của Mỹ và các đồng minh trong vấn đề Syria ngày càng mờ nhạt.
Cuộc gặp ba bên Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ định hình tương lai Syria ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (giữa) cùng Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (phải). (Nguồn: THX/TTXVN)

Cuộc gặp thượng đỉnh ba bên giữa lãnh đạo các nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vừa diễn ra tại Ankara được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm bởi sự kiện này diễn ra trong bối cảnh diễn biến tình hình thực địa tại Syria đang có những thay đổi nhanh chóng, trong khi vai trò của Mỹ và các đồng minh trong vấn đề Syria đang ngày càng mờ nhạt.

Giới quan sát kỳ vọng sự hợp tác ba bên này sẽ giúp định hình tương lai cho Syria sau bảy năm xung đột, với một loạt cam kết quan trọng thể hiện quyết tâm của các nước có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với tình hình tại quốc gia Trung Đông này.

Trong tuyên bố chung sau Hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan cùng những người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Iran Hassan Rouhani đã cam kết đẩy nhanh các nỗ lực nhằm sớm ổn định tình hình thông qua một lệnh ngừng bắn lâu dài giữa các bên xung độ, đồng thời khẳng định tiếp tục hợp tác nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị tại Syria, nhấn mạnh việc đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.

Tuyên bố chung còn thể hiện quyết tâm đẩy nhanh các nỗ lực nhằm bảo vệ thường dân và đảm bảo duy trì an ninh ở Syria thông qua việc thúc đẩy tuân thủ lệnh ngừng bắn, đảm bảo hoạt động của các vùng giảm căng thẳng, triển khai thỏa thuận của Đại hội đối thoại dân tộc Syria và nâng cao lòng tin của các bên xung đột.

Các nhà lãnh đạo ba nước còn kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo, có những hành động cụ thể để tăng cường trợ giúp cho Syria, như gửi thêm hàng cứu trợ và tạo điều kiện cho hoạt động nhân đạo, khôi phục hạ tầng cơ sở thiết yếu về kinh tế và xã hội, kể cả bảo vệ các di tích lịch sử tại quốc gia này.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, ngoài cam kết tăng cường trao đổi thông tin, thúc đẩy sự hợp tác ba bên trong cuộc chiến chống khủng bố, Moskva, Ankara và Tehran cũng nhất trí thống nhất những nỗ lực giúp tái thiết Syria thời hậu chiến, coi đây là mục tiêu ưu tiên trong hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và xã hội ở quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống Nga Putin tuyên bố không thể chấp nhận việc chính trị hóa hoạt động viện trợ nhân đạo cho Syria và mục tiêu cuối cùng tại Syria là chấm dứt khủng bố.

Những cam kết đưa ra trong tuyên bố chung của hội nghị cho thấy lãnh đạo ba nước dường như đã vượt qua được những bất đồng hay mâu thuẫn lợi ích trong khu vực để hợp tác hướng tới ổn định tình hình tại Syria. Iran và Nga đều ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các lực lượng chống chính quyền Syria.

Bên cạnh đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang mở chiến dịch ở miền Bắc Syria với lý do truy quét lực lượng người Kurd, vốn được phương Tây hậu thuẫn, cũng vấp phải sự phản đối từ cả chính quyền Syria và Iran.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, quan điểm chung phản đối chiến lược can dự của Mỹ tại Syria, cùng mong muốn phát huy thế mạnh của mỗi nước trong “bàn cờ” Syria hiện nay có lẽ là những lý do chính để ba nước bắt tay chặt chẽ ở chiến trường Trung Đông này.

[Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran khẳng định hợp tác về vấn đề Syria]

Cục diện an ninh, quân sự tại Syria có những định hình mới khi cuộc chiến chống khủng bố, cụ thể là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã đạt được thắng lợi lớn, các lực lượng chống đối ở Syria đang bị suy yếu đáng kể, trong khi chính quyền Mỹ vẫn còn lúng túng, chưa dứt khoát được chiến lược mới cho phù hợp với những biến động tình hình ở Syria…

Tất cả những yếu tố này đang được coi là tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy một giải pháp chính trị giúp chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng tại Syria. Chính vì vậy, theo giới phân tích quốc tế, không khó hiểu khi Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO hiếm hoi đứng ngoài cuộc chiến ngoại giao đang căng thẳng với Nga, muốn hợp tác chặt chẽ với Moskva và Tehran để thúc đẩy các lợi ích của mình ở Syria.

Ngược lại, Nga cũng cần Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò thúc giục các lực lượng đối lập ở Syria tham gia tiến trình hòa đàm mà ba nước đang đồng bảo trợ. Bên cạnh đó, cả Tehran và Moskva đều muốn thông qua Ankara giúp chính quyền của Tổng thống Assad giành lại các nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào tại khu vực phía Tây, vốn do người Kurd kiểm soát, để làm nguồn lực tái thiết đất nước.

Trong bối cảnh như vậy, dư luận kỳ vọng sự hợp tác ba bên này sẽ mở ra triển vọng tích cực cho một giải pháp chính trị giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, cho dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều gian nan như thừa nhận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sau hội nghị.

Bên cạnh việc thúc đẩy triển vọng hòa bình cho Syria, hội nghị thượng đỉnh ở Ankara lần này cũng đã khẳng định tầm ảnh hưởng lớn của ba quốc gia tại khu vực. Đặc biệt là Nga, với những bước đi tích cực cả về ngoại giao và quân sự, đã thể hiện vị thế quan trọng không thể thiếu trong giải quyết “điểm nóng” Syria.

Hơn thế nữa, cuộc gặp thượng đỉnh Thổ Nhĩ Kỳ-Nga-Iran lần này còn được coi là hình mẫu mới trong tăng cường hợp tác quốc tế. Nó thể hiện quy mô của “tam giác quan hệ” này đã vượt xa phạm vi đã có.

Việc Tổng thống Nga Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư và Tổng thống Iran Rouhani gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ hai chỉ trong sáu tháng cho thấy mối quan hệ ba nước đang có sự gắn bó và tin cậy hơn bao giờ hết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.