Cuộc họp báo “dị thường” của Bộ Tài nguyên-Môi trường về vụ cá chết

Tối 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp báo chớp nhoáng, chỉ kéo dài trong vòng 8 phút để công bố thông tin về vụ việc cá chết bất thường hàng loạt ở ven biển miền Trung.
Hàng trăm phóng viên báo chí dự buổi họp báo 8 phút của Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trước sức ép dư luận và sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan thông tấn báo chí, tối 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định tổ chức cuộc họp báo chớp nhoáng, chỉ kéo dài trong vòng 8 phút để công bố thông tin về vụ việc cá chết bất thường hàng loạt ở ven biển miền Trung.

Cuộc họp báo “dị thường” trên diễn ra ngay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cuộc họp “kín” với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh xảy ra hiện tượng cá chết; trong khi hàng trăm phóng viên báo chí ngồi la lết ở bên ngoài suốt cả buổi chiều để chờ công bố kết quả nguyên nhân cá chết đang dược dư luận đặc biệt quan tâm.

Cuộc họp "kín" kéo dài gần 5 tiếng

Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, cuộc họp “kín” của Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức diễn ra vào lúc 14 giờ 5 phút, và kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và các viện nghiên cứu để nghe báo cáo kết quả phân tích, xác định nguyên nhân cá chết.

Trước mối quan tâm đặc biệt trên, ngay từ lúc hơn 13 giờ, hàng trăm phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo chí đã tìm đến tham dự. Tiếc là, ngay sau khi đại biểu đến từ các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh bước vào phòng họp, tất cả phóng viên báo chí đều bị yêu cầu ra ngoài. Chỉ duy nhất có Báo Tài nguyên và Môi trường cùng với một số đơn vị thân cận của Bộ này mới được vào tham dự.

Trong suốt quãng thời gian sau đó, hàng trăm phóng viên báo chí (mỗi cơ quan báo chỉ cử 2-3 phóng viên, thậm chí có báo-đài cử đến 5 phóng viên) vẫn bám trụ tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước sức ép thông tin của đông đảo báo chí, gần 3 tiếng sau đó (16 giờ 55), ông Vũ Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng và Tuyên truyền đã ra thông báo sẽ có cuộc họp báo thông tin về cuộc họp kín, sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ tối. Ngay sau đó, một số cơ quan báo chí tiếp tục cắt cử phóng viên đến hỗ trợ cập nhận thông tin nhanh tới bạn đọc.

Đúng 18 giờ 45 phút, cuộc họp “kín” diễn ra trong buổi chiều kết thúc. Ngay lập tức, hàng trăm phóng viên báo chí đã kéo vào phòng họp, dù sau đó lại tiếp tục phải ngồi đợi lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường... đi ăn, và chuẩn bị tài liệu liên quan.

Trong khi lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghỉ ngơi, phóng viên các báo, đài tranh thủ chọn chỗ và đặt máy quay phim, ghi hình. Chờ đợi. Đến 19 giờ 58 phút, cuộc họp báo mới chính thức bắt đầu dưới sự chủ trì của ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong khi, theo thông báo ban đầu là đích thân tân Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì họp báo.

[Bộ Tài nguyên và Môi trường "chặn" báo chí, tổ chức họp kín vụ cá chết]

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, có 2 nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do con người xả thải và do thủy triều đỏ. (Ảnh: Lê Minh Sơn)

Cuộc họp báo “độc thoại” 8 phút

Ngay sau khi cuộc họp báo bắt đầu, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã thông báo về cuộc họp kín diễn ra buổi chiều cùng ngày. Sau đúng 8 phút đọc xong bài phát biểu” in kín 2 mặt giấy, ông liền rời khỏi phòng họp trong sự ngỡ ngàng, hụt hẫng của hàng trăm phóng viên.

Trong cuộc họp này, rất nhiều phóng viên muốn đặt câu hỏi nhưng không còn ai để trả lời. Các phóng viên thất vọng cho rằng đây hoàn toàn không phải là một cuộc họp báo mà chỉ là sự kiện “chữa cháy” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bằng thông báo dài 8 phút được Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đọc tại buổi họp.

Trong thông báo đọc tại buổi họp, ông Nhân cho rằng, vụ việc cá chết hàng loạt ven biển miền Trung là vấn đề phức tạp. Mặc dù người dân và cả xã hội hết sức quan tâm, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải sớm công bố nguyên nhân, tuy nhiên để xác định được cần thiết phải nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản, dựa trên chứng cứ khoa học.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, Ngành có liên quan; Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, các cơ quan khoa học trong và ngoài nước; Giáo sư, tiến sỹ Yashuwo Fukuyo, Đại học Tổng hợp Tokyo Nhật Bản để thảo luận các kết quả điều tra.

Qua nghe báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, ý kiến của các địa phương, các nhà khoa học, sau khi thảo luận loại trừ nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra, các nhà khoa học và cơ quan quản lý thống nhất nhận định sơ bộ như sau:

1. Có 2 nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất do tác động của các độc tố hóa học do hoạt động của con người thải ra trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.

2. Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt.

[Yêu cầu kiểm tra thông tin “ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng"]

Chưa có kết luận Formosa gây chết cá

Như vậy, sau gần một tháng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung, mà điểm đầu tiên phát hiện cá chết là tại vùng biển Vũng Áng, thuộc thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) - nơi phát hiện đường ống xả thải “cắm” dưới biển của Công ty Formosa, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được bằng chứng cho thấy Formosa xả thải làm chết cá.

Trong vụ việc kể trên, mọi nghi vấn có thể đúng hoặc sai nhưng đây không phải ngẫu nhiên mà con mắt của dư luận lại hướng vào tâm điểm này. Cá chết hàng loạt xảy ra vào ngày 6/4, xuất hiện ở khu vực Cảng Vũng Áng rồi tiếp đến các tỉnh lân cận ở phía nam như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Sự trùng lặp ở chỗ là hiện tượng cá chết bất thường cùng với thời điểm ngư dân phát hiện hệ thống ống xả thải khổng lồ “cắm” dưới biển Vũng Áng. Vì thế, hiện tượng này giống như một cái gì đó đang lây lan, có diễn biến sự việc một cách tuần tự và ngày càng lan rộng, gây hoang mang cho dư luận.

Trong những ngày sau đó, các phương tiện thông tin đại chúng đã nhanh chóng  phản ánh, lãnh đạo Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan kiểm soát về môi trường và nuôi trồng thủy hải sản vào cuộc để lấy mẩu kiểm tra, đưa ra nhận định ban đầu. Theo đó, có ba nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra để phân tích là cá chết do bệnh, ô nhiễm nguồn nước và do độc tố.

Thông tin trên càng được chú ý, khi ngày 23/4, một cuộc họp “bất thường” diễn ra tại Hà Tĩnh gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện 4 tỉnh có liên quan thông báo tình hình và đưa ra kết quả điều tra ban đầu.

Từ kết quả nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã đưa ra nhận định kết quả ban đầu: Cá chết do độc tố. Các chuyên gia khoa học sau đó cũng lý giải, độc tố có rất nhiều loại, do con người gây ra như độc tố hóa học hoặc do tự nhiên.

Mặt khác, dựa trên đặc điểm của hiện tượng cá chết các chuyên gia cũng khẳng định đó là một loại độc tố rất mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục