Cuộc khủng hoảng nước tại Nam Phi đang trở nên nghiêm trọng hơn, khiến chính quyền thành phố Johannesburg ngày 9/11 quyết định áp dụng hạn chế sử dụng nước.
Theo quy định hạn chế nước, người sử dụng và doanh nghiệp không sử dụng nước tưới cây trong thời gian từ 6-18 giờ hàng ngày, và không sử dụng bồn tắm và bể bơi. Thành phố cũng kêu gọi người tiêu dùng tái sử dụng nước tắm, dùng vòi sen ít hơn...
Giới chức thành phố Johannesburg cho biết mực nước trong các hồ chứa tự nhiên đang giảm dần và công ty cung cấp nước đề nghị khẩn cấp thực thi các biện pháp kiểm soát sử dụng nước. Nếu cuộc khủng hoảng nước tiếp tục xấu đi, thành phố sẽ phải áp dụng các hạn chế ở mức độ cao hơn, theo đó sẽ cắt cung cấp nước trong một thời gian nhất định.
Trước Johannesburg, thành phố Tshwane đã bắt đầu áp dụng hạn chế sử dụng nước hồi tháng trước. Một số nơi khác ở Nam Phi đã cạn kiệt nguồn nước khiến người dân phải trông chờ vào các xe bồn chở nước.
Chính phủ Nam Phi đã thành lập một đội đặc nhiệm liên bộ để theo dõi tình trạng hạn hán đang ngày một nghiêm trong trọng tại nước này. Hiện ba tỉnh Free State, KwaZulu-Natal và Limpopo đã tuyên bố là khu vực thảm họa hạn hán. Trong khi đó, Cơ quan dự báo thời tiết Nam Phi cho biết sẽ không có mưa ít nhất cho tới ngày 12/11.
Theo các chuyên gia khí hậu, hạn hán là hậu quả của một trong các đợt El Nino lớn nhất được ghi nhận từ trước tới nay tại Nam Phi. El Nino là hiện tượng nhiệt độ bề mặt nước biển tăng lên ở phía Đông và khu vực trung tâm Thái Bình Dương.
El Nino có thể dẫn tới lũ lụt tại một số nơi, nhưng tại Nam Phi, hiện tượng thời tiết cực đoan này thường gây ra hạn hán, làm tăng số ngày nóng và giảm độ ẩm của đất. Nước này đang phải chứng kiến đợt hạn hán nghiêm trọng nhất từ năm 1960, các đập nhỏ ở một số nơi đã hoàn toàn khô cạn.
Khủng hoảng nước đã ảnh hưởng tới 2,7 triệu hộ gia đình và sản lượng nông nghiệp. Nông dân Nam Phi đã phải giảm 3,8% diện tích trồng trọt, chỉ còn 2.551 triệu hécta cho năm 2016. Thu hoạch ngô đã giảm từ 14,25 triệu tấn năm 2014 xuống còn ước tính 9,84 triệu tấn trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc Nam Phi sẽ phải nhập khẩu lương thực. Đến nay, Chính phủ Nam Phi đã chi 350 triệu rand (khoảng 26 triệu USD) để chống hạn hán dai dẳng./.