Cuộc khủng hoảng tại Eurozone đang đi đến hồi kết?

Với nhiều dấu hiệu tích cực và hồi phục, một số chuyên gia tin rằng câu chuyện khủng hoảng tại Eurozone đang đi đến hồi kết.
Người dân đi mua sắm tại một phố trung tâm thủ đô Dublin, Ireland. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Liên minh châu Âu (EU) Olli Rehn mới đây nhận định sự phục hồi của các nền kinh tế châu Âu đang diễn ra dù vẫn còn ở mức khiêm tốn.

EU công bố các dự báo cho thấy Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tăng trưởng 1,2% năm 2014 và 1,8% năm 2015.

Với nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực và hồi phục, một số chuyên gia tin rằng câu chuyện khủng hoảng tại Eurozone đang đi đến hồi kết.

Trước những dấu hiệu phục hồi của kinh tế Eurozone, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự báo kinh tế của khu vực này sẽ tăng trưởng 1% năm 2014 và 1,4% năm 2015.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, sự hồi sinh bước đầu của kinh tế Eurozone có phần đóng góp quan trọng từ những dấu hiệu tích cực của các nền kinh tế từng rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất khu vực trong thời gian qua với tên gọi tắt là PIIGS (gồm Bồ Đào Nha, Ireland, Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha).

P - Bồ Đào Nha

Sau đợt đánh giá hàng quý lần thứ 11 về chương trình điều chỉnh kinh tế của Bồ Đào Nha diễn ra trong các ngày 20-28/2, bộ ba chủ nợ quốc tế - gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF - nhận định đà phục hồi kinh tế của Bồ Đào Nha đang vững dần với GDP dự kiến tăng trưởng 1,2% trong năm 2014, cao hơn so với con số tăng 0,8% dự kiến trước đó, nhờ chi tiêu tiêu dùng được cải thiện và xuất khẩu tăng mạnh.

Chính phủ Bồ Đào Nha cho hay các chủ nợ tỏ ra hài lòng với tiến độ thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu của nước này, qua đó mở đường cho Bồ Đào Nha nhận được đợt giải ngân tiếp theo trị giá 2,5 tỷ euro (3,5 tỷ USD) trong chương trình cho vay cứu trợ trị giá 78 tỷ euro dự kiến kết thúc vào ngày 17/5 tới.

Bồ Đào Nha thoát khỏi suy thoái trong năm 2013 và tỷ lệ thất nghiệp không còn ở mức cao kỷ lục nhờ nỗ lực của chính phủ nước này trong việc giảm thâm hụt ngân sách và kiểm soát nợ. Thủ tướng Bồ Đào Nha Passos Coelho tin tưởng nền kinh tế nước này sẽ "bước vào giai đoạn mới" sau khi gói cho vay cứu trợ trên kết thúc.

Theo số liệu mới nhất của Viện Thống kê Quốc gia Bồ Đào Nha, chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu của nước này trong quý IV năm 2013 tăng khá góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đưa nền kinh tế trong nước vượt qua khó khăn. Trong quý IV năm 2013, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Bồ Đào Nha đã tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, còn chi tiêu tiêu dùng trong nước tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên chỉ số chi tiêu tiêu dùng của Bồ Đào Nha tăng lên kể từ năm 2011.

Nhà kinh tế học Ben May của Capital Economics ở London (Vương quốc Anh) nhận định rằng dự báo tăng trưởng GDP của Bồ Đào Nha cho thấy nước này có thể "theo chân" Ireland thoát khỏi chương trình cho vay cứu trợ trong năm nay.

Tuy nhiên, ông Ben May cũng khuyến cáo rằng nếu Bồ Đào Nha không duy trì được kết quả tăng trưởng mạnh và vững trong trung hạn cũng như xử lý các vướng mắc trong nền kinh tế thì mối quan ngại về sự ổn định của tình hình tài chính công có thể sẽ quay trở lại.

I và I - Italy, Ireland

Người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gerry Rice mới đây cho biết cơ quan này đánh giá cao những kế hoạch cải cách kinh tế của tân Thủ tướng Italy Matteo Renzi nhằm đưa Italy ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài và nặng nề nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

Ông Rice cũng cho rằng những cải cách về thị trường lao động của chính phủ mới sẽ có vai trò quan trọng trong việc giảm tình trạng thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục 12,7% (tính đến cuối năm 2014) của Italy.

Trước đó, Cơ quan Thống kê nhà nước Italy (ISTAT) ngày 11/3 cho biết kinh tế Italy đã tăng trưởng trở lại trong quý IV năm 2013, dù rất khiêm tốn khi chỉ tăng nhẹ 0,1% so với quý trước đó. Tuy vậy, đây vẫn là dấu hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone, sau khoảng tám quý tăng trưởng âm liên tiếp kể từ năm 2011.

Theo Istat, kinh tế Italy trong quý IV năm 2013 đã tăng 0,1% so với quý trước đó, lần tăng trưởng đầu tiên sau chín tháng tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng. Hiện nợ công của Italy ở mức trên 2.000 tỷ euro, tương đương 130% GDP, mức cao thứ hai ở Eurozone, chỉ sau Hy Lạp. Trong cả năm 2013, GDP của Italy tăng trưởng -1,8%, thấp hơn mức dự đoán ban đầu -0,9%. Tuy vậy, con số này vẫn thấp hơn mức sụt giảm 2,4% của năm 2012.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực trên, không ít ý kiến đánh giá Italy là nền kinh tế ít có những chuyển biến tích cực nhất tại Eurozone và vẫn chưa thoát khỏi "vùng nguy hiểm" khi nợ công vẫn ở mức khoảng 133% GDP - mức cao thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), sau Hy Lạp.

Các thách thức hiện nay đối với ông Renzi bao gồm sự tăng trưởng kinh tế trì trệ, niềm tin người tiêu dùng thấp, nợ quốc gia lớn, bộ máy hành chính cồng kềnh và hệ thống chính trị bất ổn, tỷ lệ thất nghiệp cao.

Theo nhà phân tích James Howat thuộc Capital Economics, sự phục hồi kinh tế của Italy sẽ không đủ mạnh để giúp giải quyết vấn đề nợ công cao, và đất nước này "vẫn dễ tổn thương do vấn đề nợ công."

Trong khi Ireland đã chính thức thoát khỏi chương trình cứu trợ tài chính quốc tế kéo dài ba năm qua vào cuối năm 2013 và các nhà phân tích cho rằng nước này cần tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế trong nước tăng trưởng nhanh hơn để có thể giảm mức nợ công cao nhất khu vực Eurozone.

Ngân hàng Danske Bank dự đoán kinh tế Ireland trong năm 2014 đang hướng tới một năm tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2007 với mức tăng trưởng ước tính 2,3% trong năm 2014 (và 2,4% năm 2015). Các yếu tố như lãi suất thấp, lòng tin và tín dụng được cải thiện, lạm phát đang giảm giúp tạo nên một môi trường kinh tế tích cực cho Ireland.

Ireland đã có sự trở lại thành công với thị trường vốn quốc tế khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 3,1% trong đợt đấu thầu ngày 12/3 vừa qua, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hơn 15% hồi năm 2011. Tuy vậy, hiện vẫn còn lo ngại khi nền kinh tế Ireland sụt giảm 2,3% trong quý cuối cùng của năm 2013, kết quả khá kém nếu so với mức giảm trung bình 0,3% của cả khu vực Eurozone.

G - Hy Lạp

Kinh tế Hy Lạp cuối cùng đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" trong quý IV năm 2013 sau những nỗ lực liên tục nhằm thoát khỏi giai đoạn suy thoái kéo dài trong suốt 6 năm qua.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hy Lạp (ELSTAT), kinh tế Hy Lạp chỉ giảm 2,3% trong quý IV năm 2013, thấp hơn mức giảm ước tính 2,6% công bố hồi tháng 2/2014. Với số liệu này, kinh tế Hy Lạp chỉ giảm 3,85% trong cả năm 2013, thấp hơn nhiều mức giảm 6,9% của năm 2012.

Theo các chủ nợ quốc tế, nền kinh tế Hy Lạp đang bắt đầu ổn định và dần tăng trưởng với việc đạt được những tiến bộ trong lộ trình cải cách cơ cấu để cải thiện khả năng tăng trưởng và tính linh hoạt của nền kinh tế trong nước. Còn Bộ Tài chính Hy Lạp hy vọng nền kinh tế nước này trong năm 2014 sẽ chuyển từ suy giảm sang tăng trưởng 0,6%, lần tăng trưởng đầu tiên kể từ năm 2008.

Bên cạnh đó, Hy Lạp mới đây đã đạt thặng dư ngân sách (chưa tính chi phí trả nợ) tương đương 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một tín hiệu đáng mừng sau nhiều năm phải thắt chặt chi tiêu.

Kể từ năm 2008, nền kinh tế Hy Lạp suy giảm gần 25%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này ở mức 28%. Theo EU, nợ của Hy Lạp sẽ giảm từ mức tương đương 177,3% GDP năm 2013 xuống 171,9% GDP năm 2015, trong khi mức trần về nợ của EU chỉ là 60% GDP.

Báo cáo của EU khẳng định Hy Lạp sẽ quay lại vùng tăng trưởng trong năm 2014, các chỉ số đo lòng tin tiếp tục được cải thiện và nhiều thống kê đã phát đi tín hiệu phục hồi.

Theo EU, những cuộc cải cách về cơ cấu được triển khai trên thị trường lao động và hàng hóa đã giúp gia tăng năng lực cạnh tranh - yếu tố củng cố hoạt động xuất khẩu và đầu tư của Hy Lạp. Sau giai đoạn suy thoái dai dẳng, kinh tế Hy Lạp tăng trưởng 0,6% trong năm 2014 và sẽ có bước tăng 2,9% vào năm 2015.

Tuy vậy, bộ ba chủ nợ cũng cảnh báo Hy Lạp đang cần khoản tiền cứu trợ mới 12,8 tỷ USD để chi trả các khoản nợ đáo hạn vào tháng Năm tới trong khi hệ thống ngân hàng nước này vẫn đối mặt với các nguy cơ tiềm tàng để duy trì tỷ lệ vốn thích hợp, nhất là nếu các cơ quan chính phủ và các ngân hàng xử lý nhanh và triệt để các khoản nợ xấu.

Trong khi đó, tình hình thị trường lao động của Hy Lạp vẫn chưa sáng cho dù tỷ lệ thất nghiệp có giảm nhẹ từ 27% năm 2013 xuống 26% năm 2014 và 24% năm 2015. Số liệu này cao gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp dự kiến của toàn khu vực Eurozone là 12% năm 2014 và 11,7% năm 2015.

S - Tây Ban Nha

Mặc dù đứng cuối cùng trong nhóm năm nền kinh tế PIIGS nếu xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái song Tây Ban Nha lại là nền kinh tế có những bước tiến rất đáng chú ý. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy mới đây cho biết nước này sẽ nâng dự đoán tăng trưởng kinh tế trong hai năm 2014 và 2015 lên 1% và 1,5%.

Nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone này đã thoát khỏi tình trạng suy thoái với GDP tăng 0,1% trong quý III năm 2013, một phần nhờ xuất khẩu tăng kỷ lục, và cũng "chia tay" với chương trình cứu trợ tài chính vào ngày 23/1 vừa qua. Thâm hụt thương mại của Tây Ban Nha trong năm 2013 đã giảm gần 50%, xuống còn 15,9 tỷ euro (khoảng 22 tỷ USD).

Với những nỗ lực cải cách khó khăn và chính sách thắt chặt chi tiêu trong thời gian qua, ông Rajoy cho hay Tây Ban Nha không còn phải "lăn tăn" về các vấn đề như chương trình cứu trợ, khả năng rời khỏi Eurozone hay lòng tin sụt giảm.

Tây Ban Nha đã không phải nhờ tới chương trình cứu trợ quốc tế từ giữa năm 2012 như lo ngại của nhiều nhà phân tích và nước này hy vọng dấu hiệu khởi sắc sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng thất nghiệp trong nước.

Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh doanh Tây Ban Nha (CEOE) Juan Rosell dự báo kinh tế nước này có thể tăng trưởng “khoảng 0,7-1%” trong năm 2014, qua đó có thể tạo thêm từ 75.000-100.000 việc làm toàn thời gian mới và khoảng 150.000-200.000 việc làm bán thời gian mới.

Với tiến triển tích cực của nền kinh tế Tây Ban Nha, cơ quan xếp hạng tín nhiệm tài chính Moody’s quyết định nâng mức tín nhiệm của nước này từ Baa3 lên Baa2 và đánh giá tích cực về triển vọng của nền kinh tế nước này.

Moody’s nhận xét rằng Tây Ban Nha đã có quá trình tái bình ổn nền kinh tế nhanh hơn dự kiến, nhờ hoạt động chuyển đổi từ đầu tư vào bất động sản sang xuất khẩu cùng với những nỗ lực thực hiện các cải cách cơ cấu sâu rộng, nhất là trong thị trường lao động và hệ thống bảo trợ xã hội, và các biện pháp khác, trong đó có hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong nước.

Tuy vậy, Tổng Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde hồi đầu tháng vẫn lưu ý rằng Tây Ban Nha cần phải tiến hành cải cách sâu rộng thị trường lao động nhằm giảm thiểu chi phí lao động và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tái cấu trúc nợ và tạo điều kiện dễ dàng về thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Theo Tây Ban Nha nên giảm thuế và tăng cường đào tạo nghề cho những người không kiếm được việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha hiện là quá cao (4,8 triệu người trong thán Một) còn tăng trưởng kinh tế lại quá thấp khi chỉ đạt 0,1% và 0,2% trong hai quý cuối cùng của năm 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục