Cuộc khủng hoảng tại Ukraine: Bi kịch từ chủ nghĩa đơn phương?

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã bộc lộ ranh giới quyền lực chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và phán đoán sai lầm về địa chính trị của nước này.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine: Bi kịch từ chủ nghĩa đơn phương? ảnh 1Xe quân sự Nga di chuyển trên tuyến đường gần Armiansk, Bán đảo Crimea, ngày 25/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tạp chí Tuần san châu Á số 9/2022, cuộc khủng hoảng Ukraine giống như một vở kịch nhiều tập, tình tiết kịch bản mỗi ngày đều thay đổi, sau cùng phải đẩy lên cao trào "ngả bài" quân sự.

Thời hạn chót ngày 23/2, Moskva đã công nhận độc lập các khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine, đồng thời quân đội Nga cũng tiến vào miền Đông Ukraine.

Liệu Mỹ và Nga có xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp về vấn đề Ukriane hay không, cuối cùng không biết ai thắng ai thua, nhưng có thể khẳng định đây là bi kịch của châu Âu và cũng là bi kịch của Ukraine, hơn nữa đằng sau là phán đoán sai lầm về địa chính trị của Mỹ.

Nguồn gốc nảy sinh bi kịch xuất phát từ chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, cho rằng sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ là siêu cường duy nhất trên thế giới, tất cả đều phải do Mỹ điều phối, cho rằng Nga đã trở thành một quốc gia hạng hai, hạng ba, sức mạnh kinh tế không bằng bang California của Mỹ, không đếm xỉa đến lợi ích cốt lõi của Moskva, cảm thấy có thể qua mặt đối phương, tất cả đều chỉ là một trò lừa gạt và “mánh lới quảng cáo,” nhưng cuối cùng lại bỗng nhiên phát hiện Nga có thể là tay chơi đáng gờm, cần phải đối đầu quân sự.

Xét từ quan điểm của Nga, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ luôn xem thường Nga, không tuân thủ cam kết “NATO tuyệt đối không mở rộng về phía Đông một bước” đã đưa ra đối với Gorbachyov, Yeltsin… trước khi Liên Xô tan rã, kết nạp các quốc gia thuộc vùng đệm trước đây của Liên Xô như Ba Lan, Hungary… vào NATO, nếu cũng để cho Ukraine (quốc gia nhạy cảm nhất của Nga) gia nhập NATO và có thể triển khai hệ thống tên lửa từ thủ đô Kiev, thì điều này đồng nghĩa với việc kề dao vào cổ của Nga.

[Tổng thống Nga nhấn mạnh mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine]

Các chuyên gia an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay là do Mỹ tạo ra. Giáo sư John Mearsheimer của Đại học Chicago, chuyên gia quan hệ quốc tế nổi tiếng, tác giả của cuốn sách “Bi kịch của chính trị nước lớn” cho rằng, các đời tổng thống Mỹ đều đánh giá thấp sức mạnh hồi sinh sau khi Liên Xô tan rã, đã tự mình phá vỡ cam kết NATO không mở rộng về phía Đông trước đây, kết quả đã tạo ra một kẻ thù chống lại Mỹ.

Nhà báo Thomas Friedman, phụ trách chuyên mục đối ngoại của tờ “The New York Times” cũng cho rằng, Mỹ đã tự tạo ra một cuộc khủng hoảng Ukraine, NATO mở rộng về phía Đông dẫn đến sự phản kháng mạnh mẽ trong dư luận nội bộ Nga, đồng thời cũng khiến cho Moskva "sống mái" với Mỹ về vấn đề này, gây nên sự rạn nứt lớn đối với các nước châu Âu.

Đồng thời, "ăn miếng trả miếng," Nga cũng sử dụng chiến lược khủng hoảng Cuba trước đây để ứng phó, lên kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa ở các quốc gia Mỹ Latin vốn là sân sau của Mỹ, bao gồm Cuba, Venezuela…, làm cho Mỹ cũng nếm trải sự bất an của cái gọi là "gai đâm sau lưng."

Mấu chốt là tai họa của nền chính trị chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, cũng như sự đánh giá sai lầm của Mỹ đã biến một người bạn vốn có thể lôi kéo trở thành một kẻ thù nguy hiểm.

Các nhà hoạch định quyết sách của Mỹ đầy kêu ngạo và thành kiến, tổ chức mở rộng NATO về phía Đông, mục đích cuối cùng chính là muốn bao vây chặt Nga, điều này khiến cho Nga tràn ngập cảm giác khủng hoảng, chỉ còn cách "sống mái" một trận, đánh bài ngửa với Mỹ, và Ukraine chính là phòng tuyến sau cùng của Nga. Đối với Nga, không thể nhượng bộ về vấn đề Ukraine, bởi vì lùi một bước đồng nghĩa với không chốn dung thân.

Sau khi Liên Xô tan rã, Moskva từng tìm cách xích lại gần phương Tây, rất nhiều lực lượng trong nước và ở châu Âu đều mong muốn hội nhập vào đại gia đình châu Âu, hơn nữa cựu Tổng thống Mỹ Clinton từng ám thị Moskva, nói rằng để Nga cũng gia nhập NATO, nghĩa là phá vỡ giả thiết cơ bản NATO lấy Nga làm kẻ thù giả tưởng. Tuy nhiên, đằng sau sự mở rộng NATO về phía Đông ẩn chứa sự thù địch đối với Moskva, trở thành một “lời tiên tri tự ứng nghiệm” và đã tạo ra một kẻ thù khổng lồ.

Mặc dù thực lực kinh tế của Nga chỉ là một quốc gia tầm trung, nhưng lại đứng thứ hai toàn cầu về quân sự, chỉ sau Mỹ, đồng thời Nga là cường quốc hạt nhân, có số lượng đầu đạn hạt nhân có thể hủy diệt Mỹ nhiều lần, do đó Mỹ không muốn xung đột trực tiếp với Nga về vấn đề Ukraine mà thúc đẩy các nước châu Âu đọ sức với Nga.

Trên thực tế, từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Mỹ và Liên Xô đã nhiều lần tránh đối đầu quân sự trực tiếp để ngăn chặn biến thành chiến tranh hạt nhân do mất kiểm soát.

Tuy nhiên, các nước châu Âu cũng nhìn thấy rõ âm mưu của Mỹ, không muốn bị lợi dụng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rất tích cực hòa giải giữa Washington và Moskva, thúc đẩy lãnh đạo Mỹ và Nga hội đàm trực tiếp, hy vọng có thể hóa giải khủng hoảng.

Song vấn đề Ukraine vẫn là chủ nghĩa đơn phương mở rộng NATO về phía Đông, bộc lộ sự kiêu ngạo về quyền lực của Mỹ, tìm cách áp đảo bình phong an ninh của Nga.

Tuy nhiên, dưới sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận nội bộ, Tổng thống V.Putin dứt khoát nói không với NATO, sử dụng súng đạn để đáp trả, dùng lại thủ thuật đã thu hồi Crimea trước đây, tấn công bất ngờ để tạo ra việc đã rồi, hơn nữa dư luận địa phương phần lớn là những người nói tiếng Nga, đều ủng hộ nước Nga mạnh mẽ, ngay cả khi tổ chức trưng cầu dân ý thì ông V.Putin cũng giành được sự ủng hộ lớn của dư luận nên không có gì lo ngại.

Tư duy gần đây của chính giới Mỹ chính là “Phần Lan hóa” Ukraine, áp dụng lập trường giống như Phần Lan, không gia nhập NATO, nhưng cũng không phải là con rối của Nga.

Đây là ý tưởng của cựu ứng cử viên tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ Bernie Sanders. Tuy nhiên, liệu đề nghị này có quá muộn hay không? Ông V.Putin đã hành động, bắt đầu từ phía Đông Ukraine, “mũi tên đã phóng đi không thể thu lại,” Ukraine rơi vào vận mệnh chia cắt và chiến tranh đã là con đường không thể quay trở lại.

Mỹ không có quyết tâm tiến hành một cuộc chiến lớn với Nga vì Ukraine, nhưng Nga lại có quyết tâm không ngần ngại tiến hành một cuộc chiến hạt nhân, so sánh hai bên, xem ra Mỹ đang rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan."

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã bộc lộ ranh giới quyền lực chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông “tiền cự hậu cung” (trước kêu ngạo, sau cung kính), "đầu voi đuôi chuột" đối với các thách thức vũ trang bên ngoài, không thể thực hiện một cuộc chiến kéo dài, đồng thời cũng không thể đối diện với mối đe dọa chiến tranh hạt nhân, tương phản mạnh mẽ so với quyết tâm đánh một trận sống còn của Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.