Cuộc sống của dân Syria hồi hương sang trang khi không còn IS

Lần đầu tiên trong hơn hai năm, Awash al-Aboud có thể đứng trong làng của mình ở miền Bắc Syria và nở nụ cười không sợ hãi thay vì phải mang tấm mạng che màu đen mà tổ chức IS bắt phụ nữ phải đeo.
Cuộc sống của dân Syria hồi hương sang trang khi không còn IS ảnh 1Người dân Syria. (Nguồn: AFP)

Lần đầu tiên trong hơn hai năm, Awash al-Aboud có thể đứng trong làng của mình ở miền Bắc Syria và nở nụ cười không sợ hãi thay vì phải mang tấm mạng che màu đen mà tổ chức IS bắt phụ nữ phải đeo.

Theo AFP, người phụ nữ cao tuổi này là một trong số hàng trăm người đã trở về những ngôi làng được Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - một liên minh người Kurd và người Arab, chiếm lại từ tay quân khủng bố.

"Hai năm rưỡi qua, tôi có cảm giác như mình đang sống cùng người chết, bởi sự khủng bố mà IS áp đặt lên chúng tôi," bà Aboud chia sẻ.

Mặc một chiếc áo choàng màu chàm, Aboud nói với AFP rằng bà đã chạy trốn khỏi ngôi làng Khirdeh nằm giữa Manbij và sông Euphrates của mình, cùng những người dân làng khác.

Đứng giữa một đám trẻ con, bà cho biết khi IS còn kiểm soát làng mình, bà buộc phải đeo mạng che kín mặt màu đen - một quy định theo luật Hồi giáo cực kỳ bảo thủ của IS.

"Ngày hôm nay, một cuộc sống mới đã bắt đầu với chúng tôi. Chúng tôi rất vui vì từ giờ không còn dính dáng gì đến IS nữa," bà Aboud hân hoan nói.

Được an toàn là đủ

Anh Abu Mohammad, 35 tuổi, tới từ thị trấn nông nghiệp Abu Qulqul, cho biết cuộc sống dưới ách thống trị của IS rất khó khăn, tới mức một số người đã bị cám dỗ để tham gia lực lượng thánh chiến.

"Chúng nói rằng bất cứ ai muốn sống tốt thì phải tham gia hàng ngũ của chúng, nhưng tôi đã từ chối. Tôi thà chết đói còn hơn tham gia cùng chúng và đàn áp anh em tôi," anh chia sẻ.

Vợ của Mohammad, choàng chiếc khăn sáng màu và cõng một em bé trên lưng thì giơ tay lên và bắt đầu làm nghi lễ ăn mừng. "Chỉ cần được an toàn là đủ," cô nói.

Kiến trúc sư Khalaf al-Moussa, tới từ khu Qana al-Tahtani gần đó, cho biết IS đã áp đặt chế độ đóng tiền phạt và trừng phạt khi còn đang thống trị quê hương anh.

"Chúng tôi không được phép xắn cao quần khi đang làm ruộng - mỗi lần làm như vậy, chúng sẽ phạt chúng tôi 1.000 đồng Syria (2 USD)," anh đứng trước vườn trái cây khiêm tốn của mình và chia sẻ.

Anh Moussa cho biết: "Nếu ai đó chỉ trích hành vi của bọn chúng, chúng sẽ khâu miệng người đó lại, hoặc chặt đầu rồi treo xác lên để tất cả mọi người đều thấy." Những người bị lực lượng thánh chiến của IS bắt đi không bao giờ trở lại.

Theo Moussa, dân làng sợ hãi chuyện sẽ bị bạn bè hay gia đình báo cáo với IS đến mức "không thể tin anh em, cha mẹ hay hàng xóm."

Tại nhiều thị trấn và thành phố đã nắm giữ, IS đã đã nắm quyền kiểm soát các thể chế công cộng nhằm thể hiện hình ảnh về một thiên đường không có tham nhũng và hoạt động hiệu quả. Nhưng đó không phải là trường hợp của Qana al-Tahtani.

"Chúng tôi từng đề nghị chúng cung cấp điện sinh hoạt, nhưng câu trả lời chúng tôi nhận được là 'đấng tiên tri Mohammad có điện không?'," Moussa chia sẻ. "Và tôi từng tự hỏi, 'đấng tiên tri có những thứ vũ khí khủng bố đó không'?"

Cuộc sống của dân Syria hồi hương sang trang khi không còn IS ảnh 2(Nguồn: AFP)

Rada al-Sayyad, 18 tuổi, thì cho biết lực lượng thánh chiến IS đã cấm cậu đi học khi chúng tràn vào làng Tal Aras của cậu hai năm trước.

"Chúng đốt hết sách học của chúng cháu và cấm chúng cháu học hành. Chúng ép chúng cháu học những bài học tôn giáo dạy rằng, người Kurds, các giáo viên và những người theo tôn giáo khác đều là những kẻ tà đạo," Sayyad chia sẻ.

IS đã phải chống lại một số đợt ném bom lớn do Đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG) - một lực lượng lớn mạnh của người Kurd chiếm số đông trong thành phần của SDF.

Tại các khu vực thuộc sự kiểm soát của mình, IS đã thi hành những bài học giáo dục tôn giáo theo cách riêng cũng như huấn luyện quân sự.

Nhưng bây giờ, Sayyad nói, cậu đã có thể quay lại trường học cũng như về với cuộc sống không có IS: "Mọi chuyện đã tương đối ổn. Chúng cháu sẽ quay lại trường sớm - và quay lại với cuộc sống trước khi IS tràn vào quê hương chúng cháu"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.