Trước nguy cơ khủng bố vẫn còn hiện hữu, người dân Indonesia đã thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với chủ nghĩa cực đoan - vốn làm xấu đi hình ảnh của các tín đồ Hồi giáo chân chính - thông qua sự bình thản hiếm có.
Vì đang trong tháng lễ Ramadan nên đường phố ở Indonesia có vẻ vắng hơn ngày thường. Trong thời gian này, các tín đồ Hồi giáo thường dành nhiều thời gian để cầu nguyện thực hành đức tin, tự răn mình theo những điều được dạy trong Kinh thánh và tĩnh tâm để kết nối tâm linh với Thánh Allah - đấng tối cao toàn năng theo quan niệm của người Hồi giáo.
Tháng lễ Ramadan năm nay không phải là lần đầu tiên có những tin xấu về bạo lực xảy ra, nhưng lo sợ dường như không phải là tính cách của người dân Indonesia. Họ không để cuộc sống của mình bị ảnh hưởng bởi họ có nhiều mối quan tâm thiết thực hơn.
[Loạt vụ đánh bom ở Indonesia: ASEAN ra tuyên bố lên án]
Nhiều người dân sinh sống tại Jakarta cho rằng khi đã xảy ra ở Surabaya thì khủng bố cũng có thể xảy ra ở Jakarta hay bất kỳ nơi nào của Indonesia. Không lo sợ, không có nghĩa là họ lơ là cảnh giác hay coi thường các nguy cơ khủng bố.
Ngay sau các vụ đánh bom liên hoàn đẫm máu xảy ra ở Surabaya, nhiều thành phố và khu vực lớn tại Indonesia như thủ đô Jakarta, các tỉnh Riau, Đông Java và đảo du lịch Bali đã được đặt trong tình trạng báo động an ninh ở mức cao nhất.
Tại Jakarta, cảnh sát đã tăng cường lực lượng và phương tiện tại các điểm công cộng như các quảng trường, trung tâm thương mại, các nút giao thông đông đúc và cả các nhà thờ.
Đội An ninh của Thánh đường Agung Al-Azhar, Nam Jakarta đã tăng cường lực lượng và các biện pháp an ninh cho nhà thờ, nhất là vào ban đêm. Nhà thờ cũng hợp tác với các đồn cảnh sát trong khu vực để chia sẻ thông tin và cảnh sát luôn sẵn sàng hỗ trợ Nhà thờ về vấn đề an ninh. Lực lượng an ninh của nhà thờ này có tới 50 người, nhà thờ cũng có các camera theo dõi để phát hiện những dấu hiệu khả nghi.
Ông Shabah Syamsi - người đứng đầu Ban quản lý nhà thờ Al Azhar Agung - khẳng định những kẻ khủng bố không có mối liên hệ đúng nghĩa với đạo Hồi, họ không phải là những tín đồ Hồi giáo thực sự. Rất nhiều người đã bị tuyên truyền theo một hệ tư tưởng cực đoan.
Không phải người dân Indonesia đã quen với khủng bố khi mà trong vài năm trở lại đây dịp lễ Ramadan thường xảy ra các vụ tấn công hoặc nổ bom tự sát, mà có lẽ, do họ luôn có một cái nhìn lạc quan, không lo sợ nhiều về cái chết, bởi họ có niềm tin lớn vào Thánh Allah.
Cuộc sống vẫn diễn ra ở thành phố đông đúc này, người dân Jakarta vẫn đến nhà thờ vào mỗi buổi cầu nguyện và chia sẻ cùng nhau bữa tối tại các thánh đường ở gần khu dân cư mình sinh sống./.