Cuộc tranh cãi chưa có hồi kết về buôn bán ngà voi ở châu Phi

Liệu mong ước về một thế giới không có buôn bán động vật hoang dã, một thế giới trong đó không có loài nào phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do bàn tay của con người, có thể thành hiện thực?
Nhân viên Cơ quan Động vật hoang dã Kenya trưng bày số ngà voi thu giữ trong các chiến dịch chống buôn lậu ở cảng Mombasa, Kenya. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng dailymaverick.co.za ngày 20/8 đăng bài phân tích của Duncan E Omondi Gumba, Điều phối viên khu vực Đông Phi và Sừng châu Phi của Tổ chức ENACT (Tăng cường biện pháp ứng phó của châu Phi đối với tội phạm xuyên quốc gia) về những tranh cãi của các nước châu Phi xung quanh quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).

Nội dung bài viết như sau:

Liệu mong ước về một thế giới không có buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, một thế giới trong đó không có loài nào phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do bàn tay của con người, có thể thành hiện thực?

Mong ước đó là có cơ sở - với sự hỗ trợ của công nghệ mới, sự đồng thuận giữa các quốc gia bản địa có các loài động vật hoang dã sinh sống và các nước là đích đến của việc buôn bán sản phẩm động vật hoang dã hiện nay.

Dự án Công nghệ Phòng chống Tội phạm liên quan đến động vật hoang dã của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) do Google tài trợ là một trong những sáng kiến sử dụng sức mạnh của công nghệ để chống lại tội phạm liên quan đến động vật hoang dã.

Kể từ khi dự án này được triển khai tại Namibia năm 2015, tình trạng săn trộm tê giác và voi đã giảm đáng kể.

[Kenya phạt nặng các du khách mang trang sức ngà voi]

Ngoài ra, WWF cũng đã phối hợp với Mạng lưới Giám sát Hoạt động Buôn bán Động vật Hoang dã (TRAFFIC) và Quỹ bảo vệ động vật quốc tế, cho ra mắt Liên minh chấm dứt buôn bán động vật hoang dã trực tuyến.

Khoa học và công nghệ là chìa khóa để thực thi các quy định của CITES. Các quyết định của CITES được đưa ra dựa trên dữ liệu thu thập từ những công cụ khoa học nổi bật, gồm cơ sở dữ liệu thương mại được quản lý bởi Trung tâm Giám sát bảo tồn thế giới thuộc Chương trình môi trường Liên hợp quốc, chương trình của CITES về giám sát việc giết hại bất hợp pháp voi và Hệ thống thông tin thương mại về voi của TRAFFIC.

Các công cụ trên giúp xác định mức độ bảo vệ cần thiết đối với một loài cụ thể dựa theo quy định của CITES.

Phụ lục 1 của CITES liệt kê các loài bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng và chỉ cho phép buôn bán các loài này trong những trường hợp đặc biệt.

Những loài trong Phụ lục 2 hiện không phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, nhưng CITES cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại và sản phẩm từ các loài này để đảm bảo tính bền vững.

Phụ lục 3 gồm các loài cần được bảo vệ theo yêu cầu của một quốc gia thành viên và quốc gia đó đã có luật trong nước điều chỉnh nhưng cần sự hợp tác của các quốc gia khác để ngăn chặn việc khai thác không bền vững hoặc bất hợp pháp.

Theo định kỳ, 180 thành viên CITES - trong đó có 59 thành viên đến từ châu Phi - sẽ nhóm họp để sửa đổi các phụ lục cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trước thềm Hội nghị các bên lần thứ 18 (CoP18) của Công ước CITES, diễn ra tại Geneva từ 17-28/8/2019, các nước châu Phi đã bị chia rẽ sâu sắc về việc liệu có niêm yết vĩnh viễn loài voi trong Phụ lục I.

Hai tổ chức Liên minh voi châu Phi (AEC) - chủ yếu gồm các nước Đông và Tây Phi - và các quốc gia Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) có quan điểm khác biệt về tương lai của loài voi.

Phát biểu sau cuộc họp vào tháng 4 vừa qua tại trụ sở Liên minh châu Phi (AU) ở Addis Ababa nhằm tìm kiếm tiếng nói chung của châu Phi liên quan đến việc bảo vệ loài voi của châu lục, tiến sỹ Susan Koech - cựu Chánh Thư ký của Bộ Động vật Hoang dã Kenya cho biết: “AEC sở hữu những con số thống kê, trong khi SADC có những đàn voi.”

Năm 1990, CITES đã cấm buôn bán quốc tế đối với ngà voi, nhưng vào các năm 1997 và 2008, các quốc gia ở miền Nam châu Phi đã đưa quần thể voi của khu vực này vào trong Phụ lục II của CITES.

Điều này cho phép những nước có liên quan được bán các kho dự trữ ngà từ số voi chết do nguyên nhân tự nhiên, với đích đến chủ yếu là Trung Quốc và Nhật Bản.

Các chuyên gia cho rằng hành động trên đã thúc đẩy việc buôn bán ngà voi bất hợp pháp và nạn săn trộm.

Kênh National Geographic lập luận rằng “dù được kiểm soát chặt chẽ đến mức nào đi nữa, việc buôn bán hợp pháp ngà voi dường như khó tránh khỏi là vỏ bọc cho các giao dịch bất hợp pháp.”

Được sự hậu thuẫn bởi 30 quốc gia thành viên khác, Kenya thể hiện rõ quan điểm của AEC khi nước này tổ chức thiêu hủy toàn bộ số ngà voi và sừng tê giác dự trữ trong các kho vào năm 2016.

Điều này chứng tỏ lập trường không khoan nhượng đối với việc buôn bán ngà voi và cam kết suốt 40 năm qua của Kenya về cấm săn bắn voi lấy giải thưởng.

Vào những năm 1960, quần thể voi của Kenya thuộc nhóm cao nhất châu Phi. Số lượng voi của của Kenya được bảo vệ tốt trừ những trường hợp bị săn trộm vốn được tiếp tay bởi tình trạng tham nhũng của Cơ quan Bảo vệ Động vật Hoang dã Kenya.

Các quan chức cho biết xu hướng này đang được kiểm soát, dù vậy, số liệu khảo sát mới nhất cho biết tổng số voi của Kenya hiện còn ít hơn 8.000 cá thể.

Ngược lại, quần thể voi ở các quốc gia thuộc SADC đang tăng lên, chẳng hạn ở Tanzania và Botswana lần lượt là 60.000 và 130.000 con.

Các nước SADC thực hiện chính sách sử dụng bền vững trong khu vực, cho phép săn bắn voi lấy giải thưởng và bán ngà voi để phục vụ bảo tồn. Tuy nhiên, chính sách này vẫn bị chỉ trích là khuyến khích việc buôn bán ngà voi bất hợp pháp.

Các quốc gia SADC phản đối lệnh tuyệt đối cấm buôn bán ngà voi và lập luận rằng số tiền thu được từ bán lượng ngà dự trữ có thể tài trợ việc bảo tồn và phát triển đàn voi.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Botswana hồi tháng Năm vừa qua, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đánh giá: “Cách tiếp cận sử dụng mô hình chung cho mọi tình huống do CITES áp dụng, trong đó cấm mọi hành vi buôn bán ngà voi, đã không đánh giá đúng nỗ lực của các chính phủ SADC, cũng như không đảm bảo bền vững và không phù hợp.”

Zimbabwe đe dọa có thể sẽ rút khỏi CITES nếu nước này không được phép bán kho dự trữ ngà voi - lời đe dọa tương tự có thể cũng được các nước SADC đưa ra.

Ảnh minh họa. (Nguồn: dailymail)

Ngày càng có nhiều quan ngại rằng các biện pháp quá hà khắc trong cấm buôn bán quốc tế ngà voi có thể dẫn đến việc các quốc gia đang có quần thể voi lớn sẽ đồng loạt rút khỏi CITES, điều này có thể đảo ngược những tiến bộ đã đạt được thời gian qua trong việc ngăn chặn buôn bán ngà voi bất hợp pháp.

Điều phối viên chính sách và đối tác phụ trách châu Phi của TRAFFIC, Taye Teferi, cho rằng điều đó sẽ mang lại viễn cảnh ảm đạm đối với việc bảo tồn voi châu Phi.

Dù còn chia rẽ về vấn đề này, việc bảo tồn và cuộc chiến chống lại tội phạm liên quan đến động vật hoang dã đang được tiến hành ở tất cả các quốc gia vì lợi ích chung.

Ở các mức độ khác nhau, Mỹ, Anh, Pháp, Đài Loan và gần đây nhất là Trung Quốc đã cấm việc buôn bán ngà voi ở thị trường nội địa. Nhật Bản đang chịu sức ép để đưa ra lệnh cấm tương tự.

Các nước như Lào và Thái Lan hiện có thị trường nội địa nhập khẩu ngà voi tương đối nhộn nhịp, ít bị biến động và lượng ngà voi nhập khẩu thường đến từ các nước có quần thể voi lớn. Với lệnh cấm tuyệt đối buôn bán ngà voi, các thị trường trên sẽ trở thành bất hợp pháp.

Sự tồn tại của thị trường nội địa cho phép buôn bán ngà voi hợp pháp như Nam Phi có thể tạo ra những lỗ hổng và các kênh dễ bị lợi dụng để buôn bán bất hợp pháp ngà voi.

Thành công chỉ có thể có được nếu đóng cửa tất cả các thị trường hợp pháp - trong nước hoặc thị trường khác - nhằm hạn chế nguồn cung trên toàn cầu và đảm bảo sự hợp tác giữa các quốc gia trong thực thi quy định này, bao gồm các nước có quần thể voi lớn, các nước quá cảnh và các nước là đích đến của hoạt động buôn bán ngà voi.

Cả 2 bên trong cuộc tranh luận chưa ngã ngũ về buôn bán ngà voi đều có lý riêng, nhưng có vẻ cả 2 đều đang bỏ qua điểm quan trọng.

Lệnh cấm tuyệt đối buôn bán ngà voi không phải là lời giải đối với vấn đề số lượng voi lớn ở các quốc gia như Botswana.

Doanh số bán ngà voi định kỳ cũng không thể đáp ứng nhu cầu ngà voi toàn cầu, hay có thể ngăn chặn số ngà voi có nguồn gốc bất hợp pháp xâm nhập vào thị trường thương mại hợp pháp. Bỏ qua điểm mấu chốt này, đàn voi hoang dã vẫn đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục