Cuộc tranh luận trực tiếp của hai ứng viên Phó Tổng thống Mỹ

Sự kiện này đánh một dấu mốc lịch sử khi bà Kamala Devi Harris trở thành phụ nữ da màu đầu tiên và là người phụ nữ gốc Á đầu tiên tham gia vào một cuộc tranh luận trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Cuộc tranh luận trực tiếp của hai ứng viên Phó Tổng thống Mỹ ảnh 1Thượng nghị sỹ bang California Kamala Harris (trái) và Phó Tổng thống Mike Pence. (Nguồn: NBC News)

Đúng 21 giờ ngày 7/10 theo giờ Mỹ (tức 8h sáng 3/10 theo giờ Hà Nội), hai ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp duy nhất được tổ chức tại trường Đại học Utah, thành phố Salt Lake thuộc bang Utah.

Theo phóng viên TTXVN, đây là cuộc tranh luận của các ứng cử viên phó tổng thống được đánh giá có tầm quan trọng nhất trong lịch sử Mỹ, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump, Đệ nhất phu nhân và một loạt các quan chức cũng như nhân viên Nhà Trắng có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Sự kiện này cũng đánh một dấu mốc lịch sử khi bà Kamala Devi Harris trở thành phụ nữ da màu đầu tiên và là người phụ nữ gốc Á đầu tiên tham gia vào một cuộc tranh luận trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Phó Tổng thống diễn ra trong khoảng thời gian 90 phút, không có nghỉ giải lao. Thời lượng cho mỗi chủ đề kéo dài khoảng 10 phút.

Người dẫn chương trình Susan Page hỏi một câu hỏi mở, mỗi ứng viên có 2 phút để trả lời. Sau đó là thời gian còn lại để hai ứng viên tranh luận.

Không giống như cuộc tranh luận đầu tiên, tại cuộc tranh luận này, Phó Tổng thống Mike Pence và Thượng nghị sỹ bang California Kamala Harris ngồi tranh luận và được ngăn cách bằng kính chắn và cách nhau tới 3,6m nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

[Tranh luận giữa hai phó tướng Pence-Harris: Sự kiện chưa có tiền lệ]

Sự thay đổi mới này được Ủy ban tổ chức tranh luận bầu cử, một tổ chức độc lập đưa ra sau đề nghị của chiến dịch tranh cử của cựu Phó Tổng thống Joe Biden và bà Kamala Harris, cũng như sau một hướng dẫn mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) về nguy cơ lây lan dịch COVID-19 qua không khí.

Tuy nhiên, trước đó, người phát ngôn của Phó Tổng thống Pence cho rằng việc ngăn cách giữa hai ứng cử viên bằng tấm chắn kính là không cần thiết bởi ông Pence đã nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Ngoài ra, các ứng viên phải được xét nghiệm trước cuộc tranh luận và những người tham dự buổi tranh luận cũng phải đeo khẩu trang.

Đối với cả hai ứng cử viên, đây là cơ hội để họ chứng minh cho khán giả về khả năng cũng như năng lực trong việc hỗ trợ các Tổng thống giải quyết một loạt vấn quan trọng của đất nước hiện nay và trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới, cũng như làm nổi bật sự khác biệt giữa họ và các đồng sự để tạo nên một hình ảnh độc lập với các cử tri.

Với Phó Tổng thống Pence, đây là nhiệm vụ khó khăn bởi trên cương vị là người đứng đầu đội đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng khi ông phải đối mặt với những chỉ trích của đối thủ chính trị xoay quanh việc xử lý đại dịch khiến hơn 200.000 người Mỹ thiệt mạng và khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại trên khắp đất nước.

Còn đối với bà Harris, bà phải tận dụng cơ hội này nhằm nêu bật vấn đề xử lý dịch COVID-19 của chính quyền Tổng thống Trump và sự lây nhiễm của chính Tổng thống cũng như làn sóng lây nhiễm tại Nhà Trắng mà theo bà do Tổng thống Trump không tuân theo các quy trình an toàn tiêu chuẩn nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Cuộc tranh luận là cơ hội để bà cho cử tri thấy về chiến lược cũng như tầm nhìn của bà nhằm tiếp thêm năng lượng cho cử tri và bổ trợ những điểm yếu của ứng cử viên Tổng thống Joe Biden, giúp ông giành được thắng lợi trong cuộc đua sắp tới, cũng như khẳng định khả năng bà có thể trở thành tổng thống trong trường hợp khẩn cấp quốc gia.

Theo kế hoạch, sau cuộc tranh luận này, hai ứng cử viên Tổng thống sẽ có cuộc tranh luận vào ngày 15/10 ở Miami, Florida  và ngày 22/10 ở Nashville, bang Tennessee./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.