Các cáo buộc nhằm vào ông Carlos Ghosn, nhân vật có ảnh hưởng rất lớn trong ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản, đang ngày càng nhiều sau khi bê bối gian lận tài chính khiến nhân vật quyền lực này bị mất chức tại hàng loạt tập đoàn lớn.
Hãng tin Kyodo ngày 27/11 dẫn các nguồn tin thân cận cho biết ông Ghosn bị tình nghi đã chuyển khoảng 1,7 tỷ yen (khoảng 15 triệu USD) đầu tư thua lỗ cá nhân sang cho Tập đoàn Nissan.
Nissan đã phải gánh khoản lỗ này trong thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 sau khi ông Ghosn không vay được tiền để trả nợ.
Ủy ban Giám sát Chứng khoán và Hối đoái Nhật Bản đã có trong tay thông tin về những hành vi bất thường liên quan tới các giao dịch của ông Ghosn và đã thông báo với ngân hàng liên quan về khả năng nhân vật này vi phạm pháp luật.
Tuần trước, ông Ghosn đã bị giới chức Nhật Bản bắt giữ với cáo buộc vi phạm Luật quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính, thao túng các hồ sơ tài chính và không khai báo đầy đủ thu nhập cá nhân.
Theo các công tố viên Tokyo, ông Ghosn bị nghi khai giảm thu nhập tại Nhật Bản thấp hơn so với thực tế 5 tỷ yen (44 triệu USD) từ năm 2011. Các công tố viên Nhật Bản cũng đang cân nhắc truy tố ông Ghosn tội che giấu khoảng 3 tỷ yen thu nhập trong ba năm từ tháng 4/2015.
Cho đến nay, cựu Chủ tịch Nissan bác bỏ những cáo buộc về việc ông khai man thu nhập cá nhân, nhưng thừa nhận rằng ông đã không khai báo một phần tiền công mà ông dự kiến sẽ nhận được sau khi nghỉ hưu do "số tiền này chưa được nhất trí."
[Kyodo: Ông Carlos Ghosn bác bỏ cáo buộc gian lận tài chính]
Một số nguồn tin cho biết ông Ghosn sẽ nhận được khoảng 2 tỷ yen mỗi năm, song đã đề nghị trợ lý Greg Kelly chỉ kê khai 1 tỷ yen/năm trong các báo cáo tài chính. Việc này được giải thích là nhằm tránh các chỉ trích của cổ đông và các nhà đầu tư về mức lương chi trả quá cao.
Ông Carlos Ghosn (mang ba quốc tịch Pháp, Brazil và Liban) được xem là nhân vật giữ vai trò quan trọng trong việc giúp hãng Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ hãng Mitsubisi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu. Ông Ghosn gia nhập hãng Renault năm 1996 và là người có công giúp hãng này chuyển lỗ thành lãi nhờ chính sách cắt giảm mạnh tay.
Ba năm sau, ông đảm nhiệm vai trò CEO của Nissan trong bối cảnh hãng này đứng bên bờ vực phá sản. Liên minh Renault - Nissan từ đó cũng ra đời. Tháng 4/2016, CEO Mitsubishi Motors Osamu Masuko đề nghị ông Ghosn hồi sinh hãng xe sau bê bối nhiên liệu. Ông này sau đó đã quyết định thâu tóm 34% cổ phần Mitsubishi để trở thành cổ đông lớn nhất. Sau thương vụ trên, Mitsubishi cũng chính thức gia nhập liên minh Renault-Nissan.
Hồi tuần trước, ban lãnh đạo Tập đoàn quyết định bãi nhiệm ông Ghosn cùng trợ lý Kelly mặc dù hai ông này tiếp tục là thành viên trong Hội đồng quản trị của Nissan. Renault trong cuộc họp ngày 20/11 cũng đã bổ nhiệm Giám đốc điều hành Thierry Bollore làm quyền Giám đốc điều hành của hãng này mặc dù chưa sa thải ông Ghosn.
Ngày 26/11, hãng chế tạo ô tô Mitsubishi Motors Corp cũng đã cách chức Chủ tịch của ông Carlos Ghosn./.