Ngày 30/6, Tổ chức Động vật châu Á cho hay vừa cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa quý hiếm tầm 15 tuổi bị nuôi nhốt làm cảnh ở khu vực biên giới giữa tỉnh Gia Lai và Campuchia.
Theo số liệu thống kê từ Cục Kiểm lâm, đây là cá thể gấu cuối cùng được nuôi nhốt trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai. Cá thể gấu ngựa này có trọng lượng khoảng 120kg.
Theo đại diện Tổ chức Động vật châu Á, cá thể gấu ngựa được Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam đặt tên là Hoa Gạo bởi đáng lẽ cá thể gấu đã được cứu hộ vào đầu tháng 3/2020 nhưng vì dịch COVID-19 nên chuyến cứu hộ buộc phải hoãn vào phút chót.
Đây là chuyến cứu hộ đầu tiên mà các khâu thực hiện tại hiện trường đều được tiến hành hoàn toàn bởi đội ngũ nhân viên người Việt Nam, trong đó có đội ngũ nhân viên điạ phương.
[Bồi hoàn đa dạng sinh học: Cơ hội trả lại thiên nhiên những gì đã mất]
Quá trình cứu hộ diễn ra tương đối nhanh chóng và thuận lợi bởi gấu khá bình tĩnh, phản ứng tích cực với đồ ăn ngọt. Về cơ bản, cá thể gấu có sức khoẻ tương đối ổn định.
Để đảm bảo an toàn về kiểm dịch thú y cũng như chấp hành nghiêm quy trình vận chuyển động vật hoang dã, gấu sau cứu hộ sẽ được Chi cục Kiểm lâm Gia Lai và Chi cục Thú y Gia Lai hậu kiểm, kẹp chì niêm phong lồng vận chuyển trước khi rời khỏi địa bàn tỉnh.
Theo dự kiến, đoàn cứu hộ sẽ mất 3 ngày, tương đương với quãng đường dài 1.100km để di chuyển từ Gia Lai về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam-"ngôi nhà gấu lớn nhất cả nước" tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngay khi đưa về Tam Đảo, gấu sẽ trải qua 45 ngày cách ly trước khi được ghép nhóm và hòa nhập tại các khu bán tự nhiên.
Như vậy, sau khi tỉnh Gia Lai không còn nạn nuôi nhốt gấu, hiện trên cả nước còn khoảng 500 cá thể gấu nuôi nhốt trong các trang trại tại 36 tỉnh, thành phố.
Tổ chức Động vật châu Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nhằm đưa các cá thể này về các cơ sở cứu hộ; hướng tới chấm dứt 100% số trại gấu còn lại trên địa bàn cả nước, lộ trình từ năm 2017 tới năm 2022./.
Một số hình ảnh cứu hộ gấu: