Cựu Thủ hiến Catalonia được trả tự do sau khi nộp tiền bảo lãnh

Để được tại ngoại, ông Puigdemont phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó có khoản tiền bảo lãnh 75.000 euro, nhưng ông vẫn có thể bị dẫn độ với tội danh biển thủ công quỹ nếu thu thập đủ chứng cứ.
Cựu Thủ hiến Catalonia được trả tự do sau khi nộp tiền bảo lãnh ảnh 1Cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont. (Nguồn: EPA)

Theo Reuters, ngày 6/4, công tố viên quốc gia ở bang Schleswig-Holstein, miền Bắc nước Đức thông báo, cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont đã trả tiền bảo lãnh và ngay lập tức có thể rời nhà tù ở thị trấn Neumuenster (Đức), nơi ông bị giam giữ từ tháng trước.

Cựu Thủ hiến Catalonia đã bị bắt hồi tháng trước theo lệnh bắt giữ của Tây Ban Nha khi ông này tới Đức.

Trong một diễn biến khác liên quan, cùng ngày, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh, nước này mong muốn các nghị sỹ trong Nghị viện vùng Catalonia sớm nhất trí thành lập chính quyền, bởi chỉ khi đó mới đạt được tiến triển trong việc tìm ra một giải pháp chính trị cho bất đồng giữa khu vực tự trị này với chính quyền trung ương Madrid, sau khi Catalonia đơn phương đòi độc lập hồi năm ngoái.

[Tây Ban Nha tôn trọng phán quyết của Đức với cựu Thủ hiến Catalonia]

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, quan chức trên cho rằng chính phủ Đức không liên quan gì đến "vấn đề pháp luật" trong việc dẫn độ cựu Thủ hiến Catalonia Puigdemont.

Trước đó một ngày, Tòa án cấp vùng bang Schleswig-Holstein đã cho phép cựu Thủ hiến vùng Catalonia Puigdemont tại ngoại do không tìm thấy các bằng chứng về tội danh "nổi loạn" theo cáo buộc của Tây Ban Nha.

Để được tại ngoại, ông Puigdemont phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó có khoản tiền bảo lãnh 75.000 euro (92.000 USD). Tuy nhiên, các thẩm phán nêu rõ ông Puigdemont vẫn có thể bị dẫn độ với tội danh biển thủ công quỹ nếu "thu thập đủ thông tin và làm rõ các chứng cứ"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.