Cựu thư ký trại tập trung Đức Quốc xã bị bắt sau khi bỏ trốn

Theo cáo trạng, bà Furchner là thư ký và nhân viên đánh máy tại trại tập trung Stutthof của phát xít Đức ở Ba Lan từ năm 1943-1945. Bà bị cáo buộc tiếp tay cho cuộc thảm sát 11.412 người tại đây.
Cựu thư ký trại tập trung Đức Quốc xã bị bắt sau khi bỏ trốn ảnh 1Phòng xử án ở Itzehoe, Đức, ngày 30-9 - (Ảnh: AP)

Ngày 30/9, Tòa án ở thị trấn Itzehoe, bang Schleswig-Holstein, miền Bắc nước Đức đã ban hành lệnh bắt giữ khẩn cấp cụ bà Irmgard Furchner, 96 tuổi, cựu thư ký cho chỉ huy trại tập trung Đức Quốc xã Stutthof, sau khi bà không có mặt tại phiên tòa xét xử cùng ngày.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời phát ngôn viên tòa án Frederike Milhoffer cho biết, sáng 30/9, trước khi diễn ra phiên tòa, bà Irmgard Furchner đã rời trại dưỡng lão và bắt taxi đến một ga tàu điện ngầm ở ngoại ô Hamburg, tuy nhiên không rõ bà đã đi đâu sau đó.

Mặc dù bà Furchner đã bị bắt lại chỉ vài giờ sau đó, nhưng Thẩm phán Dominik Gross cho biết phiên tòa đã bị hoãn đến ngày 19/10.

[Đưa ra xét xử một nữ thư ký trong trại tập trung của Đức quốc xã]

Theo cáo trạng, bà Furchner là thư ký và nhân viên đánh máy tại trại tập trung Stutthof của phát xít Đức ở Ba Lan từ năm 1943-1945. Bà bị cáo buộc tiếp tay cho cuộc thảm sát 11.412 người tại đây khi ghi lại mệnh lệnh của chỉ huy trại Paul-Werner Hoppe, người cũng bị kết tội đồng lõa giết người vào năm 1955.

Bà Furchner bị cáo buộc phạm tội khi chỉ 18 tuổi nên bị xét xử tại phiên tòa dành cho lứa tuổi thiếu niên. 

Văn phòng Trung ương về Điều tra Tội phạm quốc gia cho biết, các công tố viên hiện đang thụ lý thêm 8 trường hợp, trong đó bao gồm các cựu nhân viên từng làm việc tại các trại tập trung Buchenwald và Ravensbrueck.

Trong những năm gần đây, một số vụ án liên quan đến tội phạm Đức Quốc xã đã bị lãng quên do các bị cáo đã chết hoặc có vấn đề về tâm thần không thể đưa ra xét xử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.