Đã có nhà đầu tư ngoại muốn sở hữu kịch trần 49% cổ phần PVOIL

PVOIL đã nhận được hồ sơ của 8 nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược của PVOIL trong đó có 6 nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt có nhà đầu tư muốn được mua kịch trần 49% cổ phần của PVOIL.
Hệ thống kho chứa xăng dầu của PV OIL Nhà Bè. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Mặc dù phải sau khi hoàn tất IPO vào ngày 25/1 tới đây, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) mới bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nhưng đến thời điểm hiện tại đã có cả những nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý muốn sở hữu kịch trần 49% cổ phiếu PVOIL.

Bên lề Hội thảo cơ hội đầu tư vào cổ phiếu PVOIL ngày 12/1, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tổng Giám đốc PVOIL Cao Hoài Dương xung quanh vấn đề này.

- Được biết đến thời điểm hiện tại, có nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ nguyện vọng muốn sở hữu tối đa 49% cổ phần của PVOIL. Xin ông xác nhận thông tin này?

Ông Cao Hoài Dương: Tính đến ngày 10/1/2018, PVOIL đã nhận được hồ sơ của 8 nhà đầu tư bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của PVOIL; trong đó có 6 nhà đầu tư nước ngoài, 2 nhà đầu tư trong nước. 6 nhà đầu tư nước ngoài đều là các doanh nghiệp dầu khí lớn và có tên tuổi trên thế giới.

Đặc biệt, chúng tôi đã nhận được hồ sơ của một nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn được mua kịch trần 49% cổ phần của PVOIL. Trong khi đó, có nhà đầu tư khác muốn mua 35% và có nhà đầu tư chỉ muốn mua 25%.

Với thực tế này, tổng cộng tỷ lệ đăng ký mua cổ phần PVOIL của các nhà đầu tư nước ngoài đã vượt xa số lượng cổ phần mà PVOIL được phép bán.

Cũng vì thế mà sau giai đoạn đăng ký này, PVOIL sẽ mời các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng này vào thẩm định đầu tư, giúp họ tìm hiểu về năng lực thực sự của PVOIL.

Sau đó, nhà đầu tư sẽ nộp các hồ sơ bảo lãnh để dự thầu nếu như vẫn còn trên 2 nhà đầu tư và PVOIL sẽ tổ chức đấu giá để đảm bảo minh bạch theo quy định.

[Gần hết năm, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa đạt 50% kế hoạch]

- Vậy tiêu chí ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của PVOIL cụ thể như thế nào thưa ông?

Ông Cao Hoài Dương: Ngoài tiêu chí phải đảm bảo tài chính thì nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo cam kết đầu tư lâu dài vào PVOIL, tức là phải giữ cổ phiếu của PVOIL trong tối thiểu 10 năm.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược cũng phải cam kết đảm bảo tiêu thụ sản phẩm xăng dầu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thực hiện các cam kết về mặt thị trường, công nghệ, về mặt quản trị. Nhà đầu tư nước ngoài cũng phải sẵn sàng đặt cọc 20% trước khi bước vào vòng đấu giá.

Ngoài ra, mỗi nhà đầu tư chiến lược tiềm năng đều phải gửi cho PVOIL một báo cáo đề xuất định hướng chiến lược phát triển nếu như trở thành nhà đầu tư chiến lược của PVOIL.

- Ông kỳ vọng gì ở nhà đầu tư chiến lược trong tương lai?

Ông Cao Hoài Dương: Hiện nền tảng sẵn có của PVOIL là kinh nghiệm kinh doanh phân phối xăng dầu; là hệ thống phân phối với 540 cửa hàng xăng dầu sở hữu trong toàn quốc, 29 kho xăng cảng trên toàn quốc với tổng sức chứa gần 1 triệu m3, hơn 120 phương tiện vận chuyển như xe bồn, xà lan với dung tích hơn 6.000 m3…

PVOIL là doanh nghiệp đứng thứ 2 tại Lào với 20% thị phần bán lẻ. Chúng tôi cũng là đơn vị duy nhất đảm nhiệm công tác uỷ thác xuất nhập khẩu dầu thô tại Việt Nam.

Tuy nhiên, PVOIL vẫn còn nhiều mảng chưa phát triển được và đây chính là dư địa phát triển để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược, nhất là các tập đoàn dầu khí nước ngoài có tiềm lực và kinh nghiệm trên thế giới.

Ví dụ như, hệ thống 540 cửa hàng xăng dầu của PVOIL mới chỉ thuần tuý kinh doanh xăng dầu, còn lĩnh vực phi xăng dầu như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng ăn nhanh, dịch vụ rửa xe, gara ô tô…vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong khi đó, thực tế tại các nước trong khu vực và thế giới thì dịch vụ phi xăng dầu cộng sinh này có lợi nhuận tương đương với kinh doanh xăng dầu và có khả năng tạo dòng tiền rất tốt.

Vì vậy, PVOIL kỳ vọng các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với bề dày kinh nghiệm, năng lực tài chính và quản trị sẽ hỗ trợ hiệu quả PVOIL phát triển các dịch vụ phi xăng dầu này và tăng trưởng lợi nhuận.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, các đối tác nước ngoài với kinh nghiệm kinh doanh quốc tế khi trở thành đối tác chiến lược của PVOIL sẽ giúp chúng tôi xuất nhập khẩu sản phẩm hiệu quả, giảm thiểu rủi ro khi thị trường giảm giá và tận dụng cơ hội khi thị trường tăng giá.

- Trong quý 1 này, cả ba đơn vị lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là PVOIL, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) sẽ gần như IPO sát nhau với khối lượng chào bán rất lớn. Ông có lo ngại giá cổ phiếu PVOIL sẽ không thể cao như kỳ vọng khi nguồn “hàng” cổ phiếu "họ" dầu khí nhiều như vậy không, thưa ông?

Ông Cao Hoài Dương: Tất nhiên việc đưa ra thị trường khối lượng cổ phiếu lớn cùng một “họ” dầu khí như vậy thì ít nhiều cũng có sự tác động. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị tư vấn thì 3 loại cổ phiếu này không hoàn toàn trùng lắp với nhau: Cổ phiếu PV Power thì chuyên về phát điện, cổ phiếu của BSR là lọc hóa dầu còn cổ phiếu của PVOIL là thương mại xăng dầu.

Thêm vào đó, năm 2017 là năm thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh cùng với sự tăng trưởng tốt của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng này được dự báo sẽ duy trì trong năm 2018. Vì vậy, với thành công của năm 2017 thì tôi cho rằng các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng “mạnh tay” mua các cổ phiếu có tiềm năng phát triển tốt như các cổ phiếu họ dầu khí.

- Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục