Vào những năm 1930, một trận chiến không giống bất kỳ trận chiến nào khác đã diễn ra ở vùng hẻo lánh của Australia. Sau Thế chiến thứ Nhất, hàng nghìn "người lính định cư" đã chuyển đến Tây Australia: Những ưu đãi của chính phủ thu hút họ đến phát triển vùng đất này.
Cùng thời điểm, hàng nghìn con đà điểu Emu (hay đà điểu châu Úc) - loài chim cao, không biết bay - đã di cư đến những trang trại mới thành lập này để tìm kiếm thức ăn, và giẫm đạp lên mùa màng.
Rất nhanh chóng, chính phủ điều động binh lính được trang bị súng máy để tiêu diệt hơn 20.000 con đà điểu. Họ muốn nhanh chóng chiến thắng trong "Cuộc chiến Emu.”
Theo National Geographic, “chương kỳ lạ” trong lịch sử này không chỉ là một "sai lầm về mặt quân sự" mà còn cho thấy vai trò quan trọng của loài đà điểu Emu trong hệ sinh thái của Australia và “củng cố vị thế” của chúng như một trong những loài biểu tượng nhất của đất nước này.
“Cuộc chiến Emu - Một cuộc chiến siêu thực”
Sau Thế chiến thứ Nhất, chính phủ Australia đã tìm cách định cư hơn 5.000 người lính chuyển sang làm nông dân ở tiểu bang cực Tây của nước này. Tuy nhiên, điều kiện ở khu vực này “tỏ ra” khó khăn với đất xấu và lượng mưa không đều.
Khi một đợt hạn hán nghiêm trọng vào năm 1932 đã đẩy gần 20.000 con đà điểu vào các khu vực canh tác, những con chim này đã trở thành “giọt nước tràn ly.”
Những người nông dân đã gọi tiếp viện, và vào ngày 2/11/1932, ba người lính Pháo binh Hoàng gia Australia đã đến với hai khẩu súng máy Lewis hạng nhẹ. Nhiệm vụ của họ có vẻ đơn giản: Tiêu diệt Emu và bảo vệ mùa màng .
Tuy nhiên, chiến dịch đã nhanh chóng rơi vào hỗn loạn. “Tôi nghĩ ngày xưa họ đã đánh giá thấp loài này” - Sarah Comacchio, một người trông coi sở thú tại Vườn thú Taronga, Sydney, cho biết. “Họ đã không thành công lắm vì Emu là loài chim lanh lẹ và nhanh nhẹn.”
Trong ba ngày đầu tiên, những người đàn ông chỉ giết được 30 con đà điểu emu.
Thay vì ở trong những đàn lớn, đà điểu Emu tản ra, khiến chúng trở thành mục tiêu đầy thách thức. Hai ngày sau, một khẩu súng máy bị kẹt trong một cuộc phục kích, trong khi hàng nghìn con đà điểu đang lảng vảng trong tầm mắt.
Khi các báo cáo về "cuộc chiến" lan rộng, sự chú ý của công chúng ngày càng tăng. Mọi người bị hấp dẫn bởi những chú Emu sống sót “can trường.” Những con đà điểu thậm chí còn lập thành "các đơn vị" được canh gác để tránh bị bắt.
Những tài xế xe tải không lùa được đà điểu về phía các tay súng. Họ báo cáo rằng những con chim này chạy nhanh trên mặt đất gồ ghề với tốc độ 55 dặm một giờ (hơn 88 km/h), thậm chí một chiếc xe tải đã gặp va chạm khi đuổi theo.
Những nhân chứng khác đã kinh ngạc trước khả năng sống sót của đà điểu Emu trước những phát súng bắn sượt qua. Sỹ quan chỉ huy Gwynydd Purves Wynne-Aubrey Meredith đã nói một câu nổi tiếng: “[Đà điểu Emu] có thể đối mặt với súng máy với khả năng bất khả xâm phạm của xe tăng."
45 ngày sau khi chiến dịch bắt đầu, những người lính chỉ giết được khoảng 2.500 con đà điểu Emu - một phần nhỏ của quần thể - khiến những người nông dân “không khá hơn.”
Ngay sau đó, những lời kêu gọi đối xử nhân đạo với động vật đã vang lên, và chính phủ đã hủy bỏ chiến dịch. Đà điểu Emu đã giành chiến thắng.
“Sự kiên cường đáng kinh ngạc”
“Cuộc chiến Emu” không chỉ là minh chứng cho “sự điên rồ” của quân đội; nó còn cho thấy “sự kiên cường” đáng kinh ngạc của loài chim này.
Cao gần sáu feet (1,8m), với sải chân dài hơn ba feet (0,9m), Emu là một phần của bộ chim chạy, một nhóm chim không biết bay có nguồn gốc từ khủng long. Chúng là loài chim duy nhất có cơ bắp chân, giúp chúng tiến về phía trước.
Cơ chân khỏe mạnh mang lại cho chúng tốc độ và sức bền đặc biệt, cho phép chúng chạy nước rút lên đến 55 dặm một giờ (hơn 80 km/h) và đi bộ tới 15 dặm (24km) mỗi ngày để tìm kiếm thức ăn.
Rowan Mott, nhà sinh thái học tại Bush Heritage Foundation, cho biết: "Tôi sẽ gọi đà điểu Emu là loài phân tán hơn là loài di cư. Chuyển động của chúng có phần không thể đoán trước và có thể diễn ra theo bất kỳ hướng nào."
Trong khi đà điểu thường kiếm ăn một mình hoặc theo nhóm gia đình nhỏ, hạn hán có thể khiến chúng tập hợp thành đàn lớn, biến những chuyến lang thang đơn độc thường thấy của chúng thành những cuộc di chuyển hàng loạt trên khắp vùng nông thôn. Sự hội tụ của hành vi tự nhiên này đã tạo tiền đề cho "Cuộc chiến Emu" vào đầu những năm 1930.
Nhưng Emu không chỉ là “những chiến binh sống sót.”
Là loài kiếm ăn cơ hội, chúng đóng vai trò sinh thái quan trọng bằng cách phát tán hạt giống trên những khoảng cách xa, do đó giúp tái tạo thảm thực vật trên khắp Australia.
Trong khi các nghiên cứu đã tìm thấy hàng chục loài thực vật trong phân đà điểu Emu, Comacchio cho biết Emu đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán quả quandong - một loại đào cứng bản địa.
"Rất nhiều loài động vật khác cũng ăn loại cây đó. Bạn sẽ thấy nó phát triển ở sa mạc nơi mà những loài khác có thể không phát triển" - bà nói. "Việc đà điểu Emu phát tán những hạt giống đó là một lợi ích lớn cho hệ sinh thái, có ích cho ‘tất cả mọi người.’"
Một biểu tượng của Australia
Ngoài vai trò sinh thái, đà điểu Emu còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Đà điểu Emu là biểu tượng quan trọng trong một số câu chuyện sáng tạo của thổ dân bản địa, thường tượng trưng cho khả năng phục hồi, sức mạnh và mối liên hệ sâu sắc với vùng đất.
Trong một số câu chuyện, đà điểu Emu là linh hồn sáng tạo dẫn dắt thế giới tự nhiên; và trong những câu chuyện khác, nó xuất hiện như một hình ảnh trên bầu trời trong Dải Ngân hà.
Mối liên hệ của đà điểu Emu với Australia sâu sắc đến mức chúng xuất hiện trên quốc huy của quốc gia, đồng tiền 50 xu và thậm chí trên cả logo của các đội thể thao.
“Chúng khá là biểu tượng: Rất tò mò, không sợ hãi, khá tự tin” - Comacchio nói khi lưu ý đến những hành vi kỳ quặc của loài chim này, chẳng hạn như nhảy nhót phấn khích từ chân này sang chân kia. “Mọi người đều yêu thích chúng.”
“Cuộc chiến Emu” có thể đã kết thúc bằng một “thất bại quân sự,” nhưng nó đã đưa loài chim này trở thành biểu tượng của sự sống còn và khả năng thích nghi.
Được bảo vệ theo luật môi trường của Australia từ năm 1999, quần thể của chúng vẫn còn mạnh mẽ, với hơn 600.000 con Emu hoang dã trên khắp lục địa./.