Sang phiên giao dịch chiều ngày 23/10, trên thị trường châu Á, đà giảm của giá dầu đã chững lại sau thống kê cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã tăng nhẹ.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định tình trạng dư cung trên thị trường vẫn đang gây sức ép cho giá “vàng đen.”
Trên Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12/2014 đảo chiều tăng 2 xu Mỹ lên 80,54 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn không đổi, đứng ở mức 84,71 USD/thùng.
Ngân hàng Anh HSBC hôm 23/10 công bố thống kê sơ bộ cho thấy chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong lĩnh vực chế tạo Trung Quốc trong tháng 10/2014 đã tăng nhẹ lên 50,4, so với mức 50,2 của tháng Chín, qua đó làm dịu đi những quan ngại về “thể trạng” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Kết quả trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh công bố thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này ở mức chậm nhất kể từ đầu năm 2009.
Giá hai loại dầu chủ chốt này đã giảm mạnh trong phiên ngày 22/10 sau khi Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho biết dự trữ dầu thô tại cường quốc này đã tăng khoảng 7,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/10, nhiều hơn gấp hai lần so với dự kiến của thị trường.
Kho dự trữ dầu của Mỹ đầy lên đã làm tăng quan ngại về tình trạng dư cung trên thị trường và gây sức ép nhiều hơn cho giá dầu.
Bên cạnh đó, một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã đánh tín hiệu rằng họ sẽ vẫn giữ nguyên sản lượng, trong khi một số thành viên khác muốn cắt giảm giá bán để giành lại thị phần.
Chuyên gia phân tích đầu tư Daniel Ang thuộc Phillip Futures (Singapore) nhận định dự trữ dầu thô tại Mỹ hiện đang ở mức đáng báo động (cao hơn so với con số của năm 2012 và 2013), và với tình trạng này, Mỹ có khả năng sẽ giảm nhập khẩu dầu thô./