Sau sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông, hơn 10,7 triệu SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn trên kênh phân phối đã bị khóa tài khoản.
Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của nhà chức trách trong vấn đề dẹp loạn SIM rác, nguyên nhân chính của việc phát tán tin nhắn rác, lừa đảo.
Quyết liệt thu hồi
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus tối ngày 24/11, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, việc chặn SIM rác, tin nhắn rác được cơ quan chức năng triển khai từ lâu. Tuy nhiên, đợt kiểm tra này thực sự đem lại hiệu quả lớn khi chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hồi, khóa hơn 10,7 triệu SIM.
“Đây là kết quả tốt, chưa bao giờ đạt được như vậy. Đạt được điều này là do sự phối hợp tốt giữa các doanh nghiệp viễn thông và cơ quan chức năng,” ông Trí nói.
Trước đó, chiều 28/10, năm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động gồm VNPT, MobiFone, Viettel, Vietnamobile và Gtel đã cùng ký kết với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.
Theo đại diện Cục Viễn thông, ngay sau ký cam kết, các doanh nghiệp di động đã khẩn trương thực hiện các nội dung với sự giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an. Đó là việc rà soát, lọc ra danh sách các SIM thuê bao có dấu hiệu kích hoạt sẵn trên kênh phân phối theo các tiêu chí mà các nhà mạng thống nhất (theo phát sinh tiêu dùng của SIM như cước, lưu lượng sử dụng), thông báo tới tất cả các SIM này yêu cầu đăng ký lại thông tin nếu không sẽ bị khóa tài khoản.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp thì có khoảng hơn 12 triệu SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn. Thế nhưng, sau khi gửi thông báo, chỉ có trên 780.000 thuê bao đi đăng ký lại thông tin. Trong ngày 23/11, 3 doanh nghiệp viễn thông di động lớn là VNPT, Viettel, MobiFone đã bắt đầu thực hiện việc khóa tài khoản tổng số hơn 10,7 triệu SIM.
Nhà chức trách cho biết, đối với các thuê bao đã bị khóa tài khoản (khóa 2 chiều) nói trên, nếu đến khi tài khoản của SIM hết hạn sử dụng mà khách hàng vẫn không đến các điểm giao dịch của doanh nghiệp để thực hiện đăng ký lại thông tin thuê bao (theo nội dung tin nhắn đã gửi đến các thuê bao) thì doanh nghiệp sẽ thực hiện thu hồi số thuê bao về kho số của mình.
Triệt tận gốc?
Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, sự quyết tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo quyết liệt dẹp loạn SIM rác đã giúp đợt thanh lọc này có kết quả rất tốt.
Theo ông Trung, trong thời gian tới, các doanh nghiệp viễn thông di động sẽ tiếp tục rà soát, tăng cường việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối dưới sự giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, bảo đảm hoàn thành trước 15/12.
Ông Đỗ Hữu Trí thì nói, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện nghiêm túc sẽ bị xử phạt và công khai trên báo chí. Bản thân lãnh đạo của các doanh nghiệp viễn thông cũng ký vào bản cam kết, thể hiện trách nhiệm trong việc thu hồi SIM rác này.
Đặc biệt, sự giám sát chéo của các doanh nghiệp đã đem lại hiệu quả rất tốt. Bởi lẽ, chỉ một doanh nghiệp thực hiện không tốt thì doanh nghiệp khác sẽ bị thiệt hại. Do đó, trong đợt kiểm tra vừa rồi đã ghi nhận các cán bộ kỹ thuật, kinh doanh của nhà mạng kiểm soát rất cẩn thận lẫn nhau để cho kết quả tối ưu nhất.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tiến hành rà soát, cơ quan chức năng cũng đang xây dựng, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013.
Theo đó, nhà chức trách sẽ quy định thống nhất điểm cung cấp SIM và đăng ký thông tin thuê bao; bổ sung loại hình điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động và quy định chỉ các doanh nghiệp mới được nhà mạng ký hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông, tránh trường hợp tràn lan như hiện nay.
Đặc biệt, quy định đang được dự thảo cũng sẽ tăng chế tài xử phạt. Theo đó, sẽ phạt nhà mạng theo từng số thuê bao sai thông tin với mức xử từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng trên mỗi số. Ngoài ra, với các sai phạm lớn còn có thể phạt cả người đại diện theo pháp luật của nhà mạng; tịch thu, buộc nhà mạng nộp lại số tiền tương đương số tiền có trong tài khoản chính của SIM đối với hành vi vi phạm quy định.
Bên cạnh những quy định nói trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang nghiên cứu, triển khai giải pháp kinh tế nhằm tăng cường hiệu quả quản lý thuê bao di động trả, trước khuyến khích phát triển thuê bao trả sau; thời phối hợp với Bộ Công an trong việc kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của các nhà mạng với cơ sở dữ liệu quốc gia để xác thực thông tin thuê bao theo đúng quy định của pháp luật./.