Đà Lạt sẽ là trung tâm trồng rau-hoa đẳng cấp quốc tế

Với những lợi thế sẵn có, Đà Lạt-Lâm Đồng đang thực hiện chiến lược trở thành một trung tâm trồng rau-hoa đẳng cấp quốc tế.

Nhờ những lợi thế về điều kiện tự nhiên (khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng…), tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Đến nay, Lâm Đồng đã thành công và dẫn đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất rau và hoa.

Trong bước phát triển tới đây, Đà Lạt-Lâm Đồng đang hướng tới trở thành trung tâm trồng rau-hoa đẳng cấp quốc tế.


Trồng rau-hoa công nghệ cao

Nói đến Lâm Đồng là nói đến một trong những vùng chuyên canh rau và hoa lớn nhất của cả nước. Vùng rau của tỉnh tập trung tại thành phố Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương.

Diện tích trồng rau các loại năm 2013 là 51.728ha, với tổng sản lượng đạt trên 1,6 triệu tấn; trong đó xuất khẩu trên 13.300 tấn.

Rau Đà Lạt từng bước được sản xuất theo phương pháp rau an toàn và thương hiệu "Rau Đà Lạt" đã được công nhận tiêu chuẩn GAP.

Thế mạnh về hoa của Lâm Đồng cũng được biết tới, trong đó Đà Lạt đã nổi tiếng là vùng trồng hoa chất lượng cao, hoa giống ngoại nhập từ nhiều chục năm trước.

Cùng với Đà Lạt còn có các huyện Đơn Dương và Đức Trọng, là những vùng sản xuất hoa tập trung chủ yếu của tỉnh.

Lâm Đồng hiện có trên 7.104ha trồng hoa, đạt sản lượng 2,1 tỷ cành trong năm 2013, xuất khẩu trên 220 triệu cành.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, doanh thu bình quân trên đơn vị diện tích canh tác của tỉnh năm 2013 đạt 122,2 triệu đồng/ha, cao gấp 2,5 lần bình quân cả nước.

Hiện toàn tỉnh có 38.000ha có doanh thu 100-250 triệu đồng/ha/năm, có 15.250ha doanh thu từ 250-500 triệu đồng/ha/năm, có trên 10.000ha thu từ 500 triệu-1 tỷ đồng/ha/năm.

Trong đó, sản xuất rau-hoa thuộc nhóm dẫn đầu, nhiều cơ sở trồng hoa cao cấp như địa lan, phong lan, lily… cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm đã không còn là chuyện hiếm.

Rau và hoa Đà Lạt-Lâm Đồng hiện được tiêu thụ ở hầu hết các địa phương trong cả nước, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

Về xuất khẩu, các sản phẩm rau, hoa Đà Lạt-Lâm Đồng hiện đã có mặt tại nhiều thị trường nước ngoài, trong đó có cả những thị trường khó tính, như Nhật Bản, Australia, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, EU, Mỹ, Trung Quốc, Campuchia.

Đầu tư mạnh các nguồn lực 

Trong tầm nhìn tương lai, Đà Lạt được xác định là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao với hai nhóm sản phẩm chủ lực là rau và hoa, với đẳng cấp phát triển cao tầm cỡ thế giới.

Chuyên gia Dương Ngọc Thí, Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, Lâm Đồng cần có một chiến lược dài hạn hơn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói chung trong đó có sản xuất rau-hoa.

Trong chiến lược đó, phải dự báo bối cảnh nông sản quốc tế, dự báo được một số ngành hàng, sản phẩm, quy trình sẽ được ưu tiên nghiên cứu phát triển; xây dựng nguồn nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao; rà soát lại quy hoạch đất đai và quản lý một cách căn cơ đất nông nghiệp cho nông nghiệp công nghệ cao; quy hoạch cơ sở hạ tầng cho sản xuất, chế biến và thương mại.

Theo ông Dương Ngọc Thí, Lâm Đồng cần tăng cường chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao, trong đó cần được ưu tiên cao hơn là đội ngũ cán bộ nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật và cán bộ quản lý cấp cơ sở.

Mặt khác, cần tạo điều kiện để nông dân tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, gia tăng các cơ sở và các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao.

Các cơ sở sản xuất hỗ trợ cũng như các hoạt động dịch vụ cho nông nghiệp công nghệ cao rất đa dạng cả về sản xuất vật tư đầu vào, nguyên vật liệu cho kiến thiết đồng ruộng, thực hiện quy trình sản xuất, đóng gói, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ngành nông nghiệp công nghệ cao là hoạt động nông nghiệp ở trình độ khoa học công nghệ cao vì vậy đòi hỏi, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh hỗ trợ cho ngành cũng phải nâng cấp chất lượng và trình độ phục vụ lên tương ứng.

Còn theo tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, một trong những giải pháp cơ bản để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh là cần có chính sách tín dụng chuyên đề cho nông dân và nông nghiệp vay để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tương tự như tín dụng tái canh càphê hiện đang triển khai.

Bên cạnh đó, cần tạo các liên minh sản xuất, hỗ trợ tài chính, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ kinh phí sản xuất nông sản có chứng nhận giúp tạo cơ hội tốt cho nông sản Lâm Đồng có khả năng cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Liên kết để phát triển

Tại Diễn đàn Kinh tế Đà Lạt-Lâm Đồng "Tiềm năng và Cơ hội" vừa qua, nhiều chuyên gia đã khẳng định với lợi thế về vị trí địa lý kinh tế (cửa ngõ vùng Tây Nguyên, giáp với vùng kinh tế năng động Đông Nam bộ, khu vực duyên hải Nam Trung bộ, thuận lợi về hạ tầng kết nối…), để ngành nông nghiệp công nghệ cao vươn xa và Đà Lạt-Lâm Đồng trở thành "trung tâm sản xuất rau-hoa đẳng cấp cao," Lâm Đồng cần phải tăng cường kết nối, liên kết phát triển với các địa phương bạn mạnh hơn, nhất là trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ và mở rộng thị trường.

Vùng Duyên hải Nam Trung bộ với kho bãi, cảng biển, đường sắt, đường bộ vừa cung cấp hàng hóa phục vụ sản xuất, là thị trường rau, hoa; đồng thời với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu còn có thể hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.

Liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng Tây Nguyên cũng mở ra cho ngành nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau-hoa của Lâm Đồng nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng thị trường.

Đông Nam bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có "đầu tàu kinh tế" Thành phố Hồ Chí Minh, với sự thuận lợi về hệ thống kho bãi, cảng biển, hàng không, đường sắt, đường bộ, hệ thống trường đại học, viên nghiên cứu hàng đầu của cả nước, đại học quốc tế, là thị trường tiêu thụ lớn, thị trường cao cấp… vừa là nơi thu hút nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ, cung cấp hàng hóa phục vụ sản xuất, vừa là thị trường rau, hoa, chủ lực, đồng thời còn là nơi để xúc tiến và thu hút đầu tư, mở rộng thị trường.

Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, từ lâu sản phẩm rau-hoa của Đà Lạt-Lâm Đồng đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này.

Cũng từ những doanh nghiệp lớn của Thành phố Hồ Chí Minh, rau-hoa và nhiều nông sản, đặc sản Đà Lạt-Lâm Đồng đã được đưa ra tiêu thụ tại thị trường nhiều nước trên thế giới, từng bước tạo được thương hiệu về chất lượng "rau-hoa Đà Lạt."

Ngoài việc liên kết với các địa phương, nhiều chuyên gia còn đề xuất Lâm Đồng nên tăng cường liên kết, hợp tác với các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện, tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại nước ngoài, mở rộng phạm vi liên kết phát triển ra quy mô toàn cầu và khu vực./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục