Đà Nẵng, Đồng Tháp, Cà Mau, Long An quyết tâm phòng, chống COVID-19

Các địa phương đang dốc toàn lực nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, với nhiều biên pháp khác nhau, nhưng đều hết sức cấp bách và quyết liệt.
Kiểm tra giấy ra vào khu vực vùng xanh tại điểm chốt khu dân cư Xuân Đán 3 (Đà Nẵng) để hạn chế lạ ra vào nhằm phòng chống dịch. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Các địa phương đang dốc toàn lực nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, với nhiều biên pháp khác nhau, nhưng đều hết sức cấp bách và quyết liệt.

Đà Nẵng cung ứng đủ hàng hóa, xét nghiệm 100% đại diện hộ gia đình 

Ngày 14/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đã họp bàn về các biện pháp phòng, chống dịch.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, việc quyết định dừng tất cả hoạt động, không cho người dân ra ngoài trong vòng 7 ngày là rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn trong thời điểm hiện nay, nhiều người dân đồng tình ủng hộ quyết định này. Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời khen thành phố trong việc phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua, động viên tất cả lực lượng phòng, chống dịch và nhân dân thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, Chủ tịch nước thể hiện sự đồng tình rất cao với quyết định của thành phố về việc bổ sung và điều chỉnh các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch theo Chỉ thị 05/CT-Ủy ban Nhân dân thành phố.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: “Quyết định này là việc chưa có trong tiền lệ, ví như là trận đánh lớn, gần như dốc hết lực, việc quét sạch dịch bệnh hay không là đều cho chính chúng ta.”

[Trưa 14/8, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 21 trường hợp mắc COVID-19]

Bí thư Thành ủy yêu cầu các cơ quan chức năng cần tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị; trong quá trình triển khai phải bám sát vào thực tiễn, linh hoạt, chủ động trong việc xử lý nhanh gọn vướng mắc. Tất cả lãnh đạo các quận, huyện, phường phải trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị, xử lý vấn đề phát sinh. Công an thành phố phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm phòng, chống dịch.

Ông Quảng lưu ý các địa phương phải xác định rõ thực hiện nhiệm vụ trong 7 ngày tới là để cắt chuỗi lây nhiễm, tìm và phát hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Sau 7 ngày, các cơ quan chức năng vẫn phải tăng cường việc phòng, chống dịch và không được chủ quan, lơ là.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố thông tin, tính từ 13 giờ ngày 13/8 đến 13 giờ ngày 14/8, Đà Nẵng ghi nhận 91 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2; trong đó, 23 trường hợp đã được cách ly tập trung, 58 trường hợp tự cách ly tại nhà, 7 trường hợp được phát hiện trong khu vực phong tỏa.

Như vậy tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 1.700 ca mắc COVID-19.

Trong ngày 14/8, thành phố lấy mẫu xét nghiệm cho 52.338 lượt người; thực hiện cách ly, giám sát 2.877 đối với trường hợp F1 và 5.061 trường hợp F2; đang điều trị 1082 bệnh nhân, công bố khỏi bệnh và xuất viện 37 bệnh nhân.

Ngày 14/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch 152/KH-Ủy ban Nhân dân về việc tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn bổ sung và điều chỉnh các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch theo Chỉ thị 05/CT-Ủy ban Nhân dân ngày 30/7/2021 của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, đối tượng sẽ được xét nghiệm là toàn bộ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có tổ chức làm việc (theo kế hoạch 3 tại chỗ) trên địa bàn thành phố; toàn bộ người dân cư trú ở các khu vực đang thực hiện phong tỏa, dự kiến có khoảng 39.556 người; đại diện toàn bộ các hộ gia đình ở các khu vực còn lại (khu vực chưa phong tỏa, cách ly y tế), dự kiến có khoảng 219.749 người; lực lượng tham gia các công tác liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo các hoạt động thiết yếu trong thời gian thực hiện mức độ giãn cách xã hội cao. Thời gian lấy mẫu chia thành 2 đợt, từ ngày 16-18/8 và từ ngày 19-21/8.

Đồng Tháp quyết tâm kiềm chế dịch COVID-19 trong 10 ngày 

Tại cuộc giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Đồng Tháp vào tối 14/8, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong thông tin, Đồng Tháp sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 25/8/2021.

Chuyến xe 0 đồng của Đoàn Thanh niên xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp vận chuyển thực phẩm đi từng ngõ đưa thực phẩm đến tận tay người dân. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, trong 10 ngày tới các địa phương tập trung bảo vệ bằng được thành quả chống dịch trong thời gian vừa qua, đó là: giữ cho được các vùng xanh đang có; đạt hiệu quả trong kiểm soát địa bàn, điều trị, hỗ trợ người dân và các hoạt động khác; phải giảm sâu số ca mắc mới và hạn chế số ca tử vong. Trên cơ sở ba nhiệm vụ này, các địa phương chủ động xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện trên địa bàn để có chuyển biến tích cực.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương phải hoàn thiện các quy trình trong phòng, chống dịch ở tất cả các tuyến và các mặt trên địa bàn; các cách làm hay, giải pháp tốt cần được triển khai, nhân rộng và phổ biến. Đặc biệt là phải có biện pháp khắc phục các điểm yếu trong cơ sở dữ liệu và quản trị thông tin trong thời gian qua; quan trọng là cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị thông tin, số hóa việc theo dõi các diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.

Ngoài ra, trong việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các địa phương tăng cường phát huy vai trò của Tổ nhân dân tự quản trong công tác phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; đảm bảo tính rõ ràng, công khai minh bạch về loại vaccine tiêm chủng và ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng là giáo viên để chuẩn bị năm học mới, người cao tuổi và công nhân của các doanh nghiệp, tình nguyện viên…

Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận và cộng hưởng của người dân cùng cấp uỷ, chính quyền chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh, nhất là trong chặng đường mới khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

Về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc “3 tại chỗ,” ông Lê Quốc Phong lưu ý các địa phương phải quyết liệt hơn và nhanh hơn, chủ động hơn trong việc nắm bắt tình hình và khả năng của các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động “3 tại chỗ” và sắp tới sẽ là “4 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ở tại chỗ, y tế tại chỗ), có phương án thẩm định, đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Tinh thần chung là tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải hết sức nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn.

Ông Lê Quốc Phong yêu cầu, trong 10 ngày tới Đồng Tháp phải dồn sức, quyết tâm đưa tỉnh về trạng thái bình thường mới, kiềm chế được dịch bệnh. Ông nhấn mạnh: “Các địa phương cần đặt yêu cầu cao, các doanh nghiệp nào đủ điều kiện mới cho hoạt động. Tuyệt đối không hạ thấp tiêu chuẩn, du di, không nghiêm túc và nghiêm khắc để cuối cùng giải bài toán rất lớn”.

Qua thống kê, Đồng Tháp hiện có 104 doanh nghiệp đang hoạt động; 327 doanh nghiệp (thuộc lĩnh vực công nghiệp) ngưng hoạt động do không đảm bảo được yêu cầu 3 tại chỗ.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, trong ngày 14/8, Đồng Tháp ghi nhận thêm 120 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 41 ca trong các cơ sở cách ly y tế tập trung, 30 ca trong khu vực phong tỏa, 49 ca ngoài cộng đồng.

Như vậy, cộng dồn đến 17 giờ ngày 14/8, địa phương có 4.786 ca mắc COVID-19, trong đó 2.541 bệnh nhân đã được xuất viện, 98 trường hợp tử vong. Mặt khác, tỉnh đã tiêm được 313.776 liều vaccine phòng COVID-19, đạt 113,82% (số người tiêm 1 liều là 293.610; số người tiêm 2 liều là 20.166).

Hiện tại, tỉnh có 20 xã ở mức dự báo “nguy cơ rất cao”, 45 xã có “nguy cơ cao”, 41 xã có “nguy cơ” và 37 xã ở trạng thái “bình thường mới”. Tổng số điểm đang bị phong tỏa là 87 ấp.

Cà Mau đón 93 người đặc biệt khó khăn về quê

Ngày 14/8, có 93 người dân có hộ khẩu ở tỉnh Cà Mau có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được địa phương đón về an toàn và được bố trí cách ly tập trung tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cà Mau.

93 người dân được đưa đến khu cách ly tập trung Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh để thực hiện cách ly y tế theo đúng quy định. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, những người được đón về lần này đều do dịch mà bị kẹt lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không thể tiếp tục bám trụ. Trong đó, đa phần là các trường hợp đi khám chữa bệnh; học sinh, sinh viên nghèo; công nhân, người lao động mất việc làm.

Cụ thể, người dân được đón về tỉnh theo thứ tự ưu tiên: người khám, chữa bệnh chưa về được; người bệnh nặng phải trở về nhà để nghỉ dưỡng (có cam kết tự đảm bảo sức khỏe và không thuộc trường hợp phải sử dụng xe chuyên dùng); trẻ em và người giám hộ; học sinh, sinh viên; người đi lao động, đi làm thuê (không có chỗ ở, bị thất nghiệp, không có thu nhập) không đủ điều kiện tiếp tục ở lại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phấn khởi khi được trở về quê, anh Trần Tấn Đạt (trú ở xã Đất Mới, huyện Năm Căn) cho biết, dù bị sốt bại liệt từ nhỏ nhưng vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên anh phải tìm việc làm tại một xưởng may ở Thành phố Hồ Chí Minh để phụ giúp gia đình.

Mấy tháng vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh bị mất thu nhập, điều kiện sinh hoạt của bản thân thì hạn chế nên gặp rất nhiều khó khăn. Anh dự định, sau khi cách ly xong sẽ ở quê và làm lại nghề cũ là đan, ráp lú…

Trước đó, rạng sáng cùng ngày, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Ban Liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra các thủ tục an toàn phòng, chống dịch cho người dân trước khi đưa thẳng về Cà Mau. 

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết, các công dân về phải đáp ứng yêu cầu là có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong thời gian không quá 3 ngày. Đối với người không kịp làm xét nghiệm COVID-19 thì tỉnh cũng phối hợp với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành test nhanh tại chỗ trước khi lên xe.

Theo kế hoạch, việc đón người dân Cà Mau trở về tỉnh được chia thành nhiều đợt. Sau đợt này, tùy vào tình hình của dịch COVID-19, tỉnh sẽ tiếp tục có những phương án mới đối với người dân Cà Mau đang sinh sống, làm việc, học tập ở các tỉnh lân cận Thành phố Hồ Chí Minh.

Long An áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg toàn tỉnh đến cuối tháng 8

Ngày 14/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được nhận định, cuộc chiến chống dịch COVID-19 hết sức khó khăn, vất vả, tỉnh đã đi bước dài nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Hai mục tiêu quan trọng tỉnh hướng tới là giảm số ca mắc trong cộng đồng và giảm tỉ lệ tử vong nhưng chưa thực hiện được.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Long An chỉ đạo từng địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với tình hình thực tế địa phương mình. Các địa phương cần xác định vùng xanh, vùng vàng, vùng đỏ để đóng mở giữa các huyện, thị, thành, giữa các xã, phường, thị trấn và thậm chí là đóng mở giữa các thôn, ấp, khu phố.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Út cho biết, toàn tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thêm 14 ngày nữa, kể từ 00 giờ ngày 16/8.

Đồng thời, Long An phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, kiên quyết không để chặt ngoài, lỏng trong nhằm bảo vệ và giữ sạch vùng xanh; khống chế và kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại các địa phương thuộc vùng đỏ, nhằm thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Long An là kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9/2021.

Tỉnh cũng triển khai thực hiện hiệu quả chiến dịch xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng tại 5 địa phương vùng đỏ nhằm tách các ca F0, F1 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện công tác này tại các khu vực nguy cơ ở các địa phương còn lại; tập trung công tác phân tầng, điều trị để giảm thiểu tỷ lệ tử vong; đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của nhân dân.

Long An cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét, chấp nhận cho tỉnh được thí điểm điều trị các ca F0 không triệu chứng tại nhà để giảm tải cho các cơ sở điều trị; đồng thời, đề nghị Bộ Y tế cung cấp thêm 600.000 liều vaccine phòng COVID-19 theo kế hoạch phân bổ của Bộ Y tế để tỉnh tiêm cho người dân trên địa bàn.

Tính đến 18 giờ ngày 13/8, tại Long An có 13.911 ca mắc COVID-19; trong đó, số ca trong cộng đồng là 5.497. Riêng tính từ 18h ngày 13/8 đến 18h ngày 14/8 tỉnh ghi nhận 653 bệnh nhân theo số liệu của Bộ Y tế.

Năm địa phương có số ca mắc nhiều nhất là thành phố Tân An và các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức, với tổng số 12.901 ca. Riêng huyện Đức Hòa có 5.598 ca và huyện Cần Giuộc là 3.346 ca.

Trong 20 ngày gần đây, số ca nhiễm của Long An có xu hướng tăng, chưa có dấu hiệu giảm, dao động từ khoảng 157-963 ca/ngày. Đặc biệt, ngày 10/8, tỉnh ghi nhận 963 ca mắc, cao nhất từ trước đến nay; trong đó tập trung ở khu phong tỏa - 186 ca, khu nhà trọ - 286 ca, tại các doanh nghiệp - 124 ca, trong cộng đồng - 328 ca.

Long An đã có 3.995 ca xuất viện và 153 ca tử vong./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục